Đề án “Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035” đề ra mục tiêu 80% học sinh được dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước vào năm 2030; tối thiểu 40% trường tiểu học, 20% trường THCS và THPT có bể bơi hoạt động hiệu quả... Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT đã trao đổi làm rõ hơn mục tiêu này.
- Thưa ông, nhằm khẳng định vai trò công tác dạy bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa bằng những văn bản, chỉ đạo ra sao?
“Chúng ta cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa ngành Giáo dục với ngành LĐ,TB&XH, VH,TT&DL, Y tế và các ngành liên quan; gắn kết việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước học sinh với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức luyện tập, thi đấu môn bơi của học sinh trong nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Nho Huy nêu quan điểm.
- Để giảm thiểu sự nghiêm trọng của tai nạn đuối nước toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định 4 chiến lược và 6 can thiệp ngăn ngừa đuối nước trong đó nhấn mạnh can thiệp dạy bơi an toàn cho trẻ em trong độ tuổi đi học. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước. Tại Mỹ, nghiên cứu bệnh chứng đã chứng minh trẻ em học bơi giúp giảm 88% nguy cơ đuối nước.
Xác định vai trò quan trọng của công tác dạy bơi an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh việc dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4704/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2021 phê duyệt hướng dẫn giáo dục phòng chống đuối nước dành cho giáo viên, trong đó có hướng dẫn về tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; ban hành bộ tài liệu truyền thông phòng chống đuối nước được số hóa và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông thường xuyên, liên tục trong các cơ sở giáo dục; tổ chức tập huấn về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho hơn 2.000 giáo viên cốt cán của các sở GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương chung tay với ngành Giáo dục tổ chức hiệu quả hơn nữa việc dạy bơi và dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ bị đuối nước.
- Công tác truyền thông về dạy bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh đã và đang thực hiện ra sao?
- Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành và số hóa tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và tài liệu truyền thông về giáo dục phòng tránh đuối nước học sinh bao gồm tài liệu hướng dẫn, các video clip truyền thông; hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh. Những tài liệu này đã được các sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Các sở GD&ĐT đều có kế hoạch tổ chức truyền thông theo chuyên đề, đợt cao điểm và thường xuyên theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và UBND cấp tỉnh. Ở nhiều nơi, sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em; tổ chức tuyên truyền tại bể bơi, giải bơi ở các cấp thuộc địa bàn cấp tỉnh, huyện.
Các nhà trường đã tổ chức truyền thông, giáo dục theo hình thức như: Lồng ghép vào tiết dạy môn Giáo dục thể chất, nhắc nhở học sinh trước khi tan trường về công tác phòng ngừa đuối nước. Tổ chức hoạt động chuyên đề, trong đó chú trọng đến việc tự phòng ngừa khi vui chơi, hoạt động ở trong môi trường nước hoặc gần nơi có nguy cơ đuối nước; cách cứu đuối an toàn, cách xử trí khi có người bị đuối nước.
Các đơn vị cũng tổ chức truyền thông qua hệ thống website, phương tiện điện tử, bảng tin, tài liệu, tờ rơi. Tuyên truyền thông qua hoạt động thể dục thể thao, giải thi đấu thể thao. Nhắc nhở những nội dung cần thực hiện, tuyên dương khen thưởng gương tốt, mô hình hay, tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động phòng ngừa đuối nước. Vận động, khuyến khích học sinh học bơi, phụ huynh tạo điều kiện cho con học bơi, an toàn trong môi trường nước, học cứu đuối an toàn…
- Việc triển khai dạy bơi an toàn cho học sinh trong các cơ sở giáo dục cần những điều kiện gì và hiện còn khó khăn nào?
- Để tổ chức hiệu quả việc dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, bên cạnh công tác truyền thông và sự phối hợp liên ngành, chung tay của các ngành, cấp, tổ chức, cá nhân thì có 4 yếu tố cần được đảm bảo, đó là: Chương trình, tài liệu; cơ sở vật chất; kinh phí và nhân lực thực hiện. Hiện nay, cả 4 yếu tố này còn gặp khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về tài liệu dạy bơi an toàn phòng chống đuối nước dành cho học sinh thông qua môn học Giáo dục thể chất và các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa. Tại các bể bơi, giáo viên, huấn luyện viên tổ chức dạy bơi theo tài liệu được học trong các trường đào tạo giáo viên, huấn luyện viên bơi lội và hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL; chủ yếu tập trung dạy học sinh các kỹ thuật bơi cơ bản, chưa chú trọng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Về kinh phí, ngay cả một số địa phương nhận được tài trợ bể bơi từ các dự án, chương trình, việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế và kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và tổ chức dạy bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi.
Về nhân lực, hiện có khoảng 60% giáo viên Giáo dục thể chất được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên có chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi theo quy định của ngành VH,TT&DL cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở tỉnh vùng khó khăn, miền núi.
- Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, dự thảo Đề án đang được Bộ GD&ĐT soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?
- Đầu tiên cần tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của công tác dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh. Hằng năm thực hiện đợt cao điểm triển khai công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai công tác giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học trước khi học sinh nghỉ hè.
Rà soát, sửa đổi các chính sách liên quan, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh trong trường học. Chú trọng chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy bơi; có cơ chế tự chủ cho cơ sở giáo dục công lập; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, khuyến khích thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hồ bơi.
Thực hiện lồng ghép phù hợp, hiệu quả với các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt; đặc biệt đối với địa phương, vùng khó khăn thực hiện lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án.
Xây dựng kế hoạch, từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt và duy trì hoạt động hiệu quả các bể bơi trong trường học (bao gồm cả bể bơi cố định hoặc bể bơi di động và trang thiết bị, dụng cụ học bơi, cứu đuối) để phục vụ dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh của nhà trường. Huy động, thu hút đầu tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực, phối hợp đầu tư, khai thác sử dụng hiệu quả bể bơi trong các nhà trường và cộng đồng.
Xây dựng tài liệu, hướng dẫn cho giáo viên về dạy bơi trong môn học Giáo dục thể chất. Hướng dẫn tự chọn học bơi trong môn học Giáo dục thể chất và công nhận kết quả học bơi của học sinh ở ngoài nhà trường. Xây dựng giáo trình, tài liệu, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả và tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT trong nhà trường ngoài giờ chính khóa.
Tổ chức lồng ghép nội dung giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối trong các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa. Đối với các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh thì thực hiện phối hợp với cha mẹ học sinh, liên kết với các bể bơi ngoài nhà trường để tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước theo chương trình, tài liệu hướng dẫn.
Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy bơi an toàn, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước học sinh cho đội ngũ giáo viên Giáo dục thể chất và giáo viên kiêm nhiệm để đảm bảo đủ số lượng, trình độ, năng lực tổ chức thực hiện. Khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy bơi an toàn (có cấp chứng nhận chuyên môn dạy bơi) để hỗ trợ việc tổ chức dạy bơi trong trường học.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo số liệu thống kê của các sở GD&ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Cụ thể, cấp tiểu học có 1.327 bể bơi/12.475 trường (tỷ lệ 10,63%); cấp THCS có 662 bể bơi/10.029 trường (tỷ lệ 6,60%); cấp THPT có 195 bể bơi/2.803 trường (tỷ lệ 6,95%). Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học rất lớn nhưng nguồn kinh phí hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để xây hồ bơi.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc