Tham gia buổi lễ, về phía hội đồng AUN có GS.TS. Shahrir Abdullah - Phó chủ tịch Hội đồng AUN - QA; về phía Bộ GD&ĐT có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng HCMUTE, 3 chương trình đào tạo của trường đã đạt chuẩn chất lượng AUN-QA với số điểm cụ thể: CNKT Cơ khí thuộc khoa Cơ khí Chế tạo Máy đạt mức 5/7; CNKT Điều khiển và Tự động hóa thuộc khoa Điện-Điện tử đạt mức 4/7; ngành Quản lý Công nghiệp thuộc khoa Kinh tế đạt mức 4/7 (mức điểm 4: đạt yêu cầu của AUN; mức điểm 5: vượt trên sự mong đợi của AUN).
Nhà trường đã xây dựng lộ trình từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ đánh giá toàn bộ chương trình đào tạo trình độ đại học của trường theo chuẩn khu vực và quốc tế, bao gồm 17 chương trình đào tạo đánh giá theo chuẩn AUN-QA và ba chương trình đào tạo đánh giá theo chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology - tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo khối kỹ thuật, công nghệ của Mỹ).
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã gửi lời chúc mừng đến tập thể sư phạm HCMUTE. Đồng thời, đánh giá rất cao nhà trường đã xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm định chất lượng, trong đó tất cả các chương trình đào tạo của trường sẽ được đánh giá theo các tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc tế như AUN-QA, ABET.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách để trao nhiều quyền tự chủ học thuật cho các cơ sở GDĐH, khuyến khích các cơ sở GDĐH triển khai kiểm định/đánh giá chất lượng giáo dục trong nước, khu vực hoặc quốc tế. Một trong những đối tác đáng tin cậy cho nhiệm vụ này là AUN-QA. Cho đến thời điểm này Việt Nam đã có tổng cộng 3 thành viên chính thức và 33 thành viên liên kết của tổ chức AUN-QA. Việt Nam cũng là một trong hai quốc gia có số lượng chương trình đào tạo được đánh giá thành công nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á (130 chương trình).