Một số đại biểu đề nghị làm rõ các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường nhằm xác định rõ tính chất hoạt động của các trường tư thục.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục.
Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư; theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường tư thục theo hướng chỉ chuyển đổi từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 47).
Có ý kiến đề nghị cân nhắc hệ thống các trường dân tộc nội trú, quy định điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; đề nghị quy định chính sách hỗ trợ ăn, ở sinh hoạt (ký túc xá) cho học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông.
Theo quy định của pháp luật, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Riêng với các trường dân tộc nội trú, UBTVQH cho rằng đây là chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với con em dân tộc thiểu số, đã được thực hiện ổn định và phát huy tác dụng trong nhiều năm qua.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như quy định của Dự thảo Luật, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung khoản 3 Điều 61: “Chính phủ quy định điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học”.
Về đề nghị quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông, UBTVQH cho rằng, đây là một chính sách mới, để bảo đảm tính khả thi cần có khảo sát, đánh giá tác động và tổng kết sau đó mới quy định trong Luật. Vì vậy, đề nghị không bổ sung vào Dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Luật về mô hình trường công lập chất lượng cao và quy định rõ về mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học.
Đối với mô hình trường công lập chất lượng cao: UBTVQH cho rằng, việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục, không phân biệt trường công lập, trường tư thục. Về quan điểm chung, theo tinh thần của Hiến pháp, Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên tập trung chăm lo giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng; đảm bảo công bằng trong quyền tiếp cận giáo dục, từng bước phổ cập giáo dục, trong đó quan tâm giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Theo đó, Dự thảo Luật không quy định cơ sở GDMN, GDPT công lập chất lượng cao để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng trong các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời quy định khuyến khích phát triển giáo dục chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm huy động sự chia sẻ, tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học (Điều 17).
Về mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học, UBTVQH cho rằng, trong xã hội luôn tồn tại các loại hình trường và cơ sở giáo dục khác nhau. Theo đó, Dự thảo Luật quy định về trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương theo tinh thần đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 33).