Tuyển sinh 2022: Cân bằng khó - dễ

Thứ sáu - 07/01/2022 21:15 401 0
GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2022 ghi nhận một số cơ sở GD Đại học xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Cùng với đó, nhiều trường xét tuyển bằng học bạ THPT nhưng có kèm theo tiêu chí phụ.
Tuyển sinh 2022: Cân bằng khó - dễ

Không gây áp lực cho thí sinh

Vương Khánh Linh – học sinh lớp 12 Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) dự định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Tuy nhiên, năm học này khá bất lợi vì đến nay thầy – trò vẫn phải dạy – học trực tuyến. Để bổ sung thêm kiến thức, Khánh Linh đã học thêm 4 môn: Toán, Vật lý, Hóa học và Tiếng Anh. Đây là những môn em dự định sẽ kết hợp thành các tổ hợp để xét tuyển vào một số trường đại học sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khoảng 10 - 15% nên sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt từ phương thức này. Thực tế trên khiến Khánh Linh thay đổi kế hoạch học tập để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường đại học.

“Em sẽ đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mà em yêu thích” - Vương Khánh Linh bộc bạch, đồng thời mong muốn: Đề thi cần có sự phân hóa cao để phân biệt với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi cần bám sát với thực tiễn dạy – học của các trường THPT trên cả nước.

Là đơn vị tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nhấn mạnh: Phương châm của kỳ thi là tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh. Thí sinh sẽ thi trong 1 ngày. Kỳ thi này được thiết kế với các môn bắt buộc như: Toán và Đọc hiểu - theo format đã tổ chức vào năm 2020.

Năm nay, nhà trường đưa thêm môn Khoa học tự nhiên bao gồm: Lý – Hóa – Sinh và lấy một đầu điểm. Ngoài ra, có môn Ngoại ngữ để tạo điều kiện cho những thí sinh có ngoại ngữ tốt xét tuyển vào một số ngành không phải là kỹ thuật chuyên sâu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội như: Kinh tế Quản lý, Ngôn ngữ Anh. Nhà trường đã công bố cấu trúc đề thi, thời lượng làm bài, cấu trúc điểm.

Tuyển sinh 2022: Cân bằng khó - dễ - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021. Ảnh: Ngọc Diệp

Chủ động ôn tập

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. “Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức thi thử online (ít nhất 2 đợt). Thí sinh có thể đăng ký thi thử trên hệ thống của trường. Đề thi thử sẽ có cấu trúc tương đương đề thi thật, với câu khó, dễ. Đây là trải nghiệm tốt, thí sinh nên tham gia để làm quen; từ đó có kế hoạch học tập và định hướng ôn tập tốt hơn” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết: Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực với 7 - 8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh để phục vụ tuyển sinh diện rộng. Bài thi có tính phân loại tương tự năm 2021. Theo đó, sẽ có sự tương đồng, cân bằng độ khó - dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại. Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; có tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá.

Dự kiến, đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8/2022. Trong đó, kỳ thi diễn ra vào tháng 2 có thể tổ chức cho thí sinh tự do và học sinh có nhu cầu. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 có thể tham gia thi. Đề thi kiểm tra năng lực khác với đề kiểm tra kiến thức thuần túy nên thí sinh có thể thử sức ở nhiều đợt nếu chưa đạt.

Bên cạnh một số trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy để tuyển sinh; phương thức phổ biến mà nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng là xét tuyển dựa vào học bạ THPT và có kèm thêm tiêu chí phụ. Theo thông báo của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, trong các phương án tuyển sinh năm nay, nhà trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu.

Tuy nhiên, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện như: Học sinh trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất theo danh sách của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Kết quả học tập của từng năm THPT loại giỏi trở lên. Điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 24 điểm trở lên.

Ngoài ra, nhà trường còn áp dụng tiêu chí phụ. Cụ thể: Khi thí sinh đạt các điều kiện nêu trên nhiều hơn so với chỉ tiêu, trường ưu tiên theo tiêu chí theo thứ tự: Điểm trung bình cộng của 3 năm; điểm trung bình 5 học kỳ của môn chính trong tổ hợp.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh – thông tin: Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhà trường chỉ xét tuyển với những thí sinh có trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên. Phương án này sẽ xét tuyển từ ngày 1/1 - 1/5/2022. Với thí sinh nộp hồ sơ sau ngày 1/5/2022, phải đạt tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển từ 18 điểm trở lên. Phương án này sẽ xét tuyển từ ngày 1/5 - 15/6/2022.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, đề thi Kỳ thi đánh giá tư duy chủ yếu là trắc nghiệm. Riêng môn Toán có một phần liên quan đến tự luận để đánh giá thí sinh có thể trình bày phương pháp giải, quy trình giải toán một cách logic, rành mạch. Việc thiết kế môn Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng tốt. Mặc dù, đề thi được thiết kế trong khuôn khổ các kiến thức được học trong bậc phổ thông nhưng tính phân loại chắc chắn sẽ cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập527
  • Hôm nay46,903
  • Tháng hiện tại325,033
  • Tổng lượt truy cập51,680,992
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944