Các chuyên gia nhìn nhận, đây là xu hướng tích cực, thể hiện sự năng động, quyền tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế; song, cần chú ý về chất lượng đào tạo.
Theo thông báo tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 với Đại học Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Theo đó, sinh viên học 2 năm tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và 2 năm tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây. Khi hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng của hai trường.
Ngoài ra, sinh viên trúng tuyển nhập học các ngành: Quản trị kinh doanh, Marketing, Quản trị khách sạn có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 với Đại học Bách khoa Quế Lâm (Trung Quốc). Theo đó, sinh viên học 2 năm tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và 2 năm tại Đại học Bách khoa Quế Lâm. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng của hai trường.
Với 5 phương thức xét tuyển, năm nay Học viện Phụ nữ Việt Nam dự kiến tuyển sinh gần 1.600 sinh viên hệ đại học chính quy; trong đó có chương trình liên kết quốc tế ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Kinh doanh và Thương mại quốc tế).
Năm 2024, Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Theo thông báo của Trường ĐH Tài chính – Marketing (TP Hồ Chí Minh), các ngành/chuyên ngành đào tạo liên kết quốc tế hệ đại học, gồm: Kế toán, Marketing, Tài chính, Kinh doanh quốc tế.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tháng 9/2023 có khoảng 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với đối tác nước ngoài. Hiện có trên 25 nghìn sinh viên theo học các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài trong phạm vi cả nước.
Thực tế, đào tạo liên kết nước ngoài phát triển và “nở rộ” khoảng 10 năm trở lại đây, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết. Nhiều phụ huynh và sinh viên cho rằng, so với đi du học thì đây là lựa chọn tối ưu khi mà học ở trong nước nhưng được đào tạo theo chất lượng quốc tế và cấp bằng của đại học nước ngoài.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NTCC |
Đứng trên phương diện cơ sở giáo dục đại học, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, hợp tác quốc tế trong đào tạo là hướng đi phù hợp trong bối cảnh các trường được quyền tự chủ và hội nhập ngày càng sâu rộng. Từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận với dịch vụ, chất lượng giáo dục quốc tế cho sinh viên Việt Nam.
Theo đó, người học có nhiều cơ hội để phát triển năng lực chuyên môn và ngoại ngữ - chìa khóa quan trọng để trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, chất lượng là bài toán đặt ra, làm sao các chương trình đào tạo liên kết quốc tế phải thực sự xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà người học bỏ ra, tránh tình trạng “thùng rỗng kêu to”.
Để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ngoài lựa chọn đối tác có uy tín trên các bảng xếp hạng và chương trình đào tạo phải được kiểm định tại nước sở tại, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) xem xét đến những yếu tố thế mạnh của đối tác và hỗ trợ đào tạo các ngành trong nước ở từng thời điểm. TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế cho hay, nhà trường đang xây dựng chiến lược làm việc với đối tác là các trường nằm trong top 100 thế giới.
Nhận định, chất lượng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài là mối quan tâm lớn của người học và xã hội, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Ngoại thương) cho rằng, có nhiều cách để đánh giá chương trình liên kết bảo đảm chất lượng hay không. Chẳng hạn dựa vào uy tín của cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Uy tín càng cao thì chất lượng càng tốt. Theo đó, các trường phải tuân thủ quy trình chặt chẽ trong việc kiểm soát chất lượng để không bị đánh mất thứ hạng của mình đã dày công xây dựng.
Trao đổi về hành lang pháp lý, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 đã dành một điều quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 45). Năm 2018, Luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều và tiếp tục làm rõ hơn các yêu cầu về chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh phù hợp với xu thế tự chủ và ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu giảng viên là người nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo. Từ đó giúp các trường có căn cứ tính toán nguồn lực bảo đảm chương trình có chất lượng.
Bộ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chỉ tiêu về cấp văn bằng chứng chỉ, chương trình liên kết đào tạo và lắng nghe ý kiến phản ánh từ các cơ sở đào tạo.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khuyến nghị, trước khi đăng ký học chương trình liên kết quốc tế, phụ huynh, học sinh cần chọn cơ sở nước ngoài cấp bằng chất lượng hơn cơ sở đào tạo trong nước. Nếu trường nước ngoài không hơn thì hãy chọn học chương trình trong nước.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc