Văn mẫu: Mạnh dạn vượt qua chính mình

Thứ hai - 18/10/2021 19:52 376 0
GD&TĐ - Theo nhiều giáo viên Ngữ văn, thoát ly văn mẫu khác với thoát ly kỹ năng.
Văn mẫu: Mạnh dạn vượt qua chính mình

Giống như xây ngôi nhà cần có kiến trúc sư vẽ thiết kế, làm một bài văn cũng cần có nền tảng hiểu biết, tư duy, kỹ năng. Dạy cho học sinh phương pháp thay vì học thuộc máy móc, công nhận và đánh giá đúng nỗ lực, cá tính của học sinh chính là tạo động lực để các em làm chủ bài văn của mình.

Chấp nhận chính kiến, sáng tạo của học sinh

Bài kiểm tra đầu tiên môn Ngữ văn sau khi nhập học của Xã Nguyệt Ánh (lớp 10C1 Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An) được cô giáo chấm 9 điểm, dù chỉ viết hơn 1 tờ giấy thi. Đây là niềm vui bất ngờ đối với nữ sinh dân tộc Thái đến từ huyện vùng cao Tương Dương. Bởi thời gian vừa qua, việc học của Ánh và các bạn khá vất vả và mới chỉ tập trung học trực tiếp được hơn 2 tuần.

Nói về bài kiểm tra này, cô Bùi Thị Lệ Thu – giáo viên Ngữ văn cho biết: Đề ra gồm 2 câu khá quen thuộc trong chương trình Ngữ văn lớp 10 và cũng không quá khó. Bao gồm câu đọc – hiểu và câu làm văn “Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích “Chiến thắng Mtao – Mxây” (Sử thi Đăm Săn). Mục đích của cô vừa kiểm tra định kỳ, tìm kiếm, phát hiện học sinh có năng khiếu môn Văn. Bài làm của em Nguyệt Ánh không dài, nhưng ngắn gọn, đủ ý và gây ấn tượng với cô với giọng văn riêng, mộc mạc, cảm xúc.

“Trong đó, những phẩm chất của nhân vật Đăm Săn được em sắp xếp, chuyển ý mạch lạc, sáng tạo không rập khuôn theo dàn ý mà cô đã giảng dạy. Đó là điều đáng quý để tôi bồi dưỡng, phát triển thêm. Vì vậy, dù vẫn chưa tròn trịa về câu chữ, dùng từ, tôi vẫn mạnh dạn cho điểm cao, để ghi nhận và khích lệ tố chất văn chương và sự độc đáo của học trò”, cô Lệ Thu chia sẻ.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn thi môn văn, cô Bùi Thị Lệ Thu cho rằng: Thoát ly khuôn mẫu không phải là điều dễ dàng đối cả giáo viên và học sinh. Điều này xuất phát từ việc các em vẫn chưa hoàn thiện, phát triển, đa dạng về ngôn từ. Để cảm thụ, phân tích đầy đủ một tác phẩm hay ngữ liệu văn học, trước hết cần có sự dẫn dắt, thuyết giảng từ phía giáo viên.

Vì vậy, dễ nhận thấy với học sinh đại trà phần lớn chưa thoát ly khỏi kiến thức của thầy cô, phụ thuộc vào văn mẫu, hoặc bài giảng để đúng ý thầy cô, đạt điểm cao. Ngược lại, không ít giáo viên cũng chưa cho phép bản thân chấp nhận một cách thoải mái chính kiến ở học sinh, hoặc ý tưởng trái với khuôn mẫu mà mình đã cung cấp.

Cô Lệ Thu cũng thừa nhận,cách dạy văn – chấm văn của cô đối với học sinh từng khối lớp có sự khác biệt. Trong đó, việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá được mạnh dạn áp dụng đối với lớp 10, 11. Còn học sinh cuối cấp thiên về ôn tập phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, cô quan niệm, “dù với phương pháp nào, mong muốn của tôi là mỗi bài văn của học trò, không phải là sự sao chép kiến thức của người khác, kể cả thầy cô. Mà qua lăng kính cá nhân, các em tạo ra một tác phẩm B’ so với tác phẩm gốc. Người dạy không chỉ xoáy vào nội dung cần đảm bảo trong tác phẩm mà mở ra trang đời để học sinh cảm nhận, ứng xử, nêu lên chính kiến của mình”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An có 73/149 học sinh dự thi đạt 9 điểm trở lên môn Ngữ văn. Điểm trung bình môn học này của trường là 8,86. Để đạt được điểm số đó, không thể chỉ rập khuôn, giống nhau, mà chắc chắn có yếu tố sáng tạo, cá tính của bản thân học sinh trong bài văn.  

Văn mẫu: Mạnh dạn vượt qua chính mình - Ảnh minh hoạ 2
Thoát ly văn mẫu cần sự mạnh dạn từ phía giáo viên.

Từng bước thay đổi

Nói về vấn đề thoát ly văn mẫu, theo cô Nguyễn Thị Hương –giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho rằng: Trước hết cần hiểu đúng khái niệm văn mẫu trong dạy văn, học văn. Văn học là bộ môn mang tính khoa học và thẩm mỹ. Mẫu của văn, thực chất là cách thức, phương pháp tư duy, triển khai một bài làm theo bố cục đầy đủ, dẫn chứng phù hợp, lập luận logic. Cách viết, triển khai bài làm sáng tạo đến đâu, cũng nằm trong, thuộc cái khuôn đó, nếu không sẽ lan man, sai trọng tâm, thậm chí lạc đề.

“Mặt khác, làm gì cũng phải có “thị phạm”. Và khuôn mẫu, hay văn mẫu chính là sự “thị phạm” của giáo viên để giúp học trò hiểu, nắm kiến thức cơ bản, biết cách đọc hiểu ngữ liệu, nhận biết thủ pháp nghệ thuật, rèn kỹ năng làm bài. Để sau này, kể cả khi gặp một tác phẩm, văn bản, ngữ liệu mới mẻ, các em vẫn có thể vận dụng và sáng tạo theo cách hiểu, cảm thụ của mình”, cô Hương nêu quan điểm.

Tuy nhiên, để học trò biết vận dụng sáng tạo khuôn mẫu, cần sự nỗ lực thực sự của giáo viên trong chuyển đổi phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Trên thực tế, không phải bất cứ bài giảng nào giáo viên cũng làm được điều này. Nhưng cô Hương đã từng bước điều chỉnh, thay đổi từ tổ chức hoạt động cho học sinh, cũng như làm mới cách diễn đạt, dạy học của mình.

Ví dụ học sinh làm việc nhóm, video, thuyết trình về quê hương của các em. Với hình thức này, học sinh phải làm việc nhiều hơn, buộc phải tự tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, từ người lớn trong gia đình, làng xã. Nhưng các em lại hào hứng, thích thú hơn và làm việc bằng sự say mê, nhiệt tình chứ không phải bắt buộc. Từ việc tự khám phá, tìm hiểu kiến thức, chọn cách diễn đạt, học sinh được phát huy năng lực của mình đối với môn học một cách hiệu quả.

Nhiều năm dạy học, ra đề kiểm tra, tham gia chấm thi, cô Hương cho biết mình đã từng chấm nhiều bài văn điểm cao đến 9,5 – 9,75 nếu thấy các em viết đúng yêu cầu đề ra, hay, cảm xúc, sáng tạo. “Tôi sẵn sàng ghi nhận sự cố gắng, sáng tạo của học trò. Đọc những bài văn như vậy, thấy các em viết ra bằng sự yêu thích đối với môn Văn chứ không phải là môn bắt buộc. Giáo viên cảm thấy mình không bị phụ, không bị học sinh quay lưng, đó là niềm hạnh phúc lớn của nghề giáo”.

Theo ông Nguyễn Chí Hòa – chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Nghệ An), cũng như các môn học khác, trong kiểm tra, đánh giá, thi cử,môn Văn đều có barem điểm rõ ràng. Để bài văn đạt điểm cao, thí sinh phải đảm bảo đúng các ý trong đáp án, cách triển khai, bố cục, lập luận phải chặt chẽ, sắc sảo. Đồng thời phải thể hiện được sự sáng tạo, năng lực cảm thụ và chất văn chương của riêng mình. Đây cũng là đổi mới trong dạy văn, học văn và đánh giá học sinh. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập800
  • Hôm nay56,484
  • Tháng hiện tại334,614
  • Tổng lượt truy cập51,690,573
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944