Triển khai Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, giáo dục đại học Việt Nam có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng.
Tự chủ đại học tạo ra sự năng động, môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Văn hóa chất lượng dần được định hình. Quản trị đại học đã có bước chuyển mình để phù hợp, thích ứng với tự chủ đại học và bối cảnh mới. Công bố khoa học quốc tế trong các trường đại học tăng mạnh... Những kết quả tích cực trên góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam ra biển lớn, một số đã có tên trong danh sách những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới.
Năm 2018 là một dấu ấn khi lần đầu tiên 2 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đứng tên trong bảng xếp hạng QS là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Từ mốc này trở đi, năm nào Việt Nam cũng có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín.
Năm 2022 là bước nhảy vọt khi có tới 7 đại diện của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng THE; 5 đại diện nằm trong bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities). Năm 2023, Việt Nam có 9 cơ sở lọt xếp hạng THE Impact Ranking; cùng với đó, 5 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng QS…
Được xếp hạng và cải thiện vị trí xếp hạng trên bản đồ đại học thế giới là nỗ lực, kỳ vọng của giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua. Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 đặt mục tiêu năm 2020 có 1 trường được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến 2030, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học và 40 lượt lĩnh vực có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới…
Phải thẳng thắn nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng giáo dục đại học Việt Nam còn khoảng cách tương đối xa so với các nước trong khu vực trên khía cạnh xếp hạng quốc tế. Có tên trong xếp hạng chỉ là một số ít trường và vị trí xếp hạng cũng còn khiêm tốn.
Giáo dục đại học Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Số lượng, quy mô đào tạo phát triển nhanh, nhưng các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển tương xứng (về đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu...). Muốn bứt phá, trở thành trường đại học quốc tế xuất sắc không thể thiếu nguồn lực đầu tư.
Trong khi đó, đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học còn rất thấp, chưa tương xứng mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn từ học phí, trong khi đây được xác định ở mức khá thấp. Nguồn thu từ nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ còn khiêm tốn trong tổng thu của cơ sở giáo dục đại học. Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học còn vướng mắc.
Muốn giáo dục đại học bứt phá không thể thiếu cơ chế chính sách đồng bộ, thông thoáng. Nhà nước cần đầu tư hiệu quả và xác định được chiến lược đầu tư từ ngân sách. Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phân loại cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống làm căn cứ để Nhà nước đầu tư trọng điểm.
Cụ thể, đầu tư ưu tiên đối với nhóm cơ sở giáo dục đại học hoạt động hiệu quả, có tiềm năng phát triển ngang tầm cơ sở giáo dục đại học tiên tiến thế giới. Điều này cũng được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc