Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành cho rằng, nguồn gốc của những cơn phẫn nộ, những ứng xử lệch chuẩn của phụ huynh phần lớn là do cách xử lý tình huống của giáo viên. Và cô Nguyệt đơn cử một trường hợp học sinh của trường có ba mẹ ly hôn, rất hay tới trường để giành đón con, thường xuyên cho con nghỉ học, đi học muộn, sách vở cũng không chuẩn bị đầy đủ.
“Thế nhưng năm cháu học lớp Một thì không có vấn đề gì xảy ra, em được cô giáo hỗ trợ nhiều trong học tập như có vở dự phòng cho học sinh, thậm chí, giáo viên đã gặp phụ huynh để trao đổi nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc học của con.
Sau đó, phụ huynh đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh, quan tâm hơn đến việc hướng dẫn con học ở nhà, chuẩn bị sách vở, đồ dùng đầy đủ cho con. Nhưng khi em này lên lớp 2 thì phụ huynh lại đến trường chất vấn cô giáo vì sao lại gây áp lực khiến cho con của họ sợ đi học, sợ đến trường. Chúng tôi phải mời phụ huynh lên phòng hiệu trưởng để tìm hiểu câu chuyện từ cả hai phía giáo viên và phụ huynh thì được biết là do giáo viên muốn HS tự lập, chuẩn bị sách vở đầy đủ trước khi đến lớp nhưng cách nói của giáo viên khiến cho HS thấy mình bị bỏ rơi” – cô Nguyệt phân tích.
Sự thân thiện của giáo viên chính là căn nguyên của sự cao trào trong câu chuyện này.
Làm sao đo được sự tận tâm và thân thiện của giáo viên? Đó là câu hỏi của không ít giáo viên khi Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành phát động mô hình 6T. Cô Thu Nguyệt cho rằng, không cứ giáo viên phải bám lớp thường xuyên mới là tận tâm. “Sự tận tâm thể hiện ở nhiều mặt, chẳng hạn như giáo viên có phương pháp giúp đỡ HS tiến bộ hơn trong rèn luyện hạnh kiểm, học tập. Có thể giáo viên không thường xuyên ở lại lớp vào giờ ăn trưa của HS nhưng lại có những hướng dẫn để rèn các kỹ năng sinh hoạt tập thể cho HS để lực lượng quản sinh không phải quá vất vả duy trì nề nếp trong giờ ăn, ngủ của các em”.
Ngay cả trong hành vi ứng xử của phụ huynh đối với giáo viên cũng có thể thấy được vai trò giáo viên đối với HS. “Có rất nhiều giáo viên xem nhẹ việc trao đổi với phụ huynh hoặc trao đổi khi sự việc đã rồi, chẳng hạn như, khi HS đánh nhau, dù không để lại thương tích nhưng với suy nghĩ chuyện đã xảy ra rồi nên có một số giáo viên không thông báo cho phụ huynh biết. Nhưng ở góc độ phối hợp gia đình – nhà trường trong giáo dục HS, giáo viên nên trao đổi với phụ huynh để có biện pháp giáo dục, uốn nắn từ những việc nhỏ để tránh hình thành thói quen xấu trong giải quyết xung đột của các em sau này.” – cô Nguyệt phân tích.
Và không cứ phải lúc nào cũng tươi cười, niềm nở với phụ huynh, đồng nghiệp mới là biểu hiện của thân thiện. “Có những giáo viên rất giỏi chuyên môn nhưng lại không được các đồng nghiệp học hỏi, chia sẻ, tâm sự. Chỉ cần qua một năm học thì phụ huynh, học sinh cũng chính là thước đo chứ chưa cần đến sự đánh giá của ban giám hiệu hay tổ chuyên môn”.
Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách
Mô hình 6T của Trường Tiểu học Núi Thành là cụ thể hóa của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và Phong trào “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”. Mô hình 6T cũng đồng thời là những chuyển động của nhà trường trong xây dựng đội ngũ đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho rằng, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường không phải chỉ bằng những lời rao giảng như các em phải sống thật thà, trung thực, phải biết bảo vệ của công… mà còn ở cách ứng xử, giao tiếp, những lời nói của GV đối với HS và phụ huynh… Như một quy định bất thành văn, giáo viên trường Tiểu học Núi Thành qua cổng trường là phải xuống xe máy, dắt bộ vào trường, tháo khẩu trang.
“Mình muốn phụ huynh chấp hành những nội quy của trường như đến trường phải ăn mặc lịch sự thì giáo viên cũng phải tuân thủ. Chưa kể là HS tiểu học thường hiếu động, các em thường chơi đùa đuổi nhau, không may giáo viên đi xe máy trong sân trường đụng phải học sinh thì thành lớn chuyện” – cô Nguyệt cho biết.
Giáo viên, và nhất là giáo viên chủ nhiệm muốn thành công, thu phục được HS, thì không có cách nào khác là phải thực sự công tâm và phải dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng HS, nhất là đối với những HS có biểu hiện đặc biệt. Cũng là dễ hiểu bởi tại nhiều diễn đàn của HS, đã có ý kiến cho rằng, nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của HS thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi. Có nhiều tiết sinh hoạt rất nặng nề và là nỗi ám ảnh của HS, kể cả HS vi phạm lẫn không vi phạm nội quy bởi nó trở thành giờ để thầy cô khiển trách.
Nhà trường phải đặt việc giáo dục đạo đức, kỹ năng cho HS ngang bằng với giáo dục văn hóa. “Giáo dục đạo đức cho HS không thuần túy gói gọn trong tiết học đạo đức mà thông qua những câu chuyện, những ứng xử giữa GV với HS, giữa GV với phụ huynh, lồng ghép trong những tiết dạy khác nhau” – cô Thu Nguyệt chia sẻ.
Theo đó, muốn duy trì nếp sống văn hóa và các giá trị nhân văn cho con trẻ, đặc biệt là HS ở mọi lứa tuổi, thì cái gốc và là điều tiên quyết là người lớn phải làm gương. Nếu mọi cấp học đều “đều tay” trong giáo dục đạo đức thì tỉ lệ học trò chưa ngoan, lệch chuẩn sẽ không cao. Thứ nữa là phụ huynh HS ở mọi cấp học nên quan tâm, sát sao cùng con trong mọi cột mốc phát triển; giáo dục, uốn nắn con ngay từ cái gốc là bậc Mầm non, Tiểu học, các cháu sẽ hình thành bản chất tốt, không làm điều gì trái với luật quy định.