Một số nhiệm vụ trọng tâm giáo dục ĐH năm 2019
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2019:
Thứ nhất: Về phía Bộ GD&ĐT, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có 2 đề án xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm; Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trong năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng trong năm 2020 về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Thứ 2: Để chuẩn bị cho việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Nghị định quy định cơ chế tự chủ - cởi trói cho các trường để có thể thực hiện tự chủ.
Thứ 3: Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây là định hướng tốt cho các cơ sở giáo dục đại học để xác định cho mình định hướng phát triển trong những năm tới.
Thứ 4: Bộ GD&ĐT tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm. Kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục đại học vi phạm các quy định…
Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 |
8 vấn đề chính lưu ý các cơ sở giáo dục ĐH
Với các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng lưu ý 8 vấn đề chính:
Thứ nhất: Sớm kiện toàn Hội đồng trường để chuẩn bị các điều kiện về tự chủ đại học; các quy định tổ chức, hoạt động cho nhà trường; vấn đề quản trị nhà trường phải là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong năm 2019.
Thứ 2: Nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh. Các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai mức học phí trước khi tuyển sinh. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong tổ chức thi THPT quốc gia, song hành cùng các địa phương, Bộ GD&ĐT.
Thứ 3: Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường chưa kiểm định chất lượng. Với những trường đã kiểm định, cần tập trung kiểm định chương trình đào tạo; song hành cùng xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường và hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Thứ 4: Thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua cung cấp các thông tin thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước; công khai các kết quả đào tạo, nghiên cứu, các điều kiện đảm bảo chất lượng với xã hội, người học… ; cập nhật cơ sở dữ liệu đại học của Bộ GD&ĐT.
Thứ 5: Tăng cường công tác đảm bảo đầu ra cho sinh viên; thúc đẩy liên kết hợp tác nhà trường – doanh nghiệp.
Thứ 6: Chú trọng công tác giáo dục chính chị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa ứng xử của sinh viên, thầy cô giáo trong nhà trường.
Thứ 7: Tăng cường hội nhập quốc tế; tăng cường hơn nữa quốc tế hóa các chương trình đào tạo để thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại trường, đặc biệt qua các chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế. Tăng cường công tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo để nâng cao hơn nữa công bố quốc tế, cũng như uy tín của nhà trường.
Thứ 8: Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho giáo dục đại học. Đây là trách nhiệm của không chỉ lãnh đạo nhà trường mà còn của cả đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 diễn ra tại 3 điểm cầu (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) với sự tham gia của 560 đại biểu đến từ 245 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị xoay quanh các vấn đề tuyển sinh đại học năm 2019, đặc biệt là tuyển sinh sư phạm; vấn đề quản trị đại học, vai trò của Hội đồng trường; tự chủ đại học; hoạt động đào tạo, chương trình đào tạo, cơ chế chính sách cho giáo dục ĐH, quy hoạch mạng lưới, quy chuẩn các trường đại học, trường sư phạm…