Thưa GS, tại sao nhiều sinh viên hiện nay vẫn phản ánh tình trạng thiếu sách để học. Số sách phục vụ chuyên ngành vẫn rất ít. Vậy với thâm niên mấy chục năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học, ông có nhận xét gì về sách giáo khoa cho sinh viên học hiện nay?
- Cá nhân tôi đánh giá như thế này, ở bậc Đại học và sau đại học là bậc học mà các sinh viên, học viên phải tự học, tự nghiên cứu là chính. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn. Muốn vậy phải có sách. Vậy mà hiện nay, sinh viên và thầy giáo trong các trường đại học vẫn rơi vào tình trạng đói sách.
Nhớ những năm đầu hòa bình lập lại, số lượng tiến sĩ giảng dạy trong các trường đại học hầu như không có nhưng đã tạo ra được đội ngũ các nhà khoa học phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở trong nước. Thế hệ các nhà khoa học như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Phan Đình Diệu, GS Vũ Đình Cự và các GS Phạm Thị Trân Châu, GS Nguyễn Lân Dũng... đóng góp nhiều nền giáo dục nước nhà. Sau một vài năm khó khăn đó, để giải quyết vấn đề thiếu sách học cho sinh viên, chính GS Tạ Quang Bửu – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng với lớp thầy giáo của các trường đại học đã nhanh chóng giải quyết đủ sách cho SV.
Trong Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó, thầy giáo vừa giảng dạy, vừa trực tiếp dịch sách từ tiếng nước ngoài mang về để làm tài liệu học cho sinh viên. Đặc biệt, sách bán với giá rẻ, sinh viên và thầy giáo đều mua được. còn ở trường, thầy giáo và sinh viên đều có thể mượn được. Lưu ý, vào năm 1975, số lượng tiến sĩ của cả nước mới có hơn 1.000 người. Số lượng tiến sĩ hiện nay đã gấp 23 lần, nhưng sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên trong dạy và học. Tại sao?
Trọng dụng nhân tài
Hiện, nhiều địa phương rất quan tâm đến vấn đề chọn và sử dụng nhân tài, song đôi khi vẫn rơi vào tình trạng chảy máu chất xám. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
- Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo được nhân tài đã khó nhưng để sử dụng đúng được nhân tài lại càng khó hơn. Đó là một thực tế. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, bắt buộc các quốc gia phải giải quyết bài toán nhân tài. Các cường quốc phát triển ngày nay đã và đang trong cuộc chiến cạnh tranh nhân tài. Việt Nam muốn phát triển mạnh cũng không thể nằm ngoài cuộc. Điều quan trọng là người tài được tạo điều kiện để phát huy khả năng hết mức của bản thân và là người tự đào tạo là chính, song nhất thiết phải có người biết sử dụng người qua các công việc cụ thể, mới biết người đó có tài hay không.
Để trọng dụng được nhân tài, tránh chảy máu chất xám, trước mắt, tôi đề nghị chấm dứt việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy ở trong nước, vốn đã áp đặt vào đội ngũ trí thức tinh hoa hơn 30 năm qua ở nước ta. Lý thuyết về sử dụng người tài trong và ngoài nước không thiếu, vấn đề ta có thực tâm sử dụng họ vì đất nước ta hay không mà thôi.
- Cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!