Hoạt động chính của các em khi còn học mẫu giáo là vui chơi còn lên lớp 1 thì hoạt động chủ đạo lại là học tập nên các em sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Để giúp các em sớm hòa nhập được với môi trường học tập hoàn toàn mới, theo kinh nghiệm của cô Thu Anh, giáo viên cần hòa đồng cùng với các các em trong mọi hoạt động.
Cùng với đó là giáo viên có lời nói, cử chỉ gần gũi, tìm hiểu tâm lí đặc điểm của học sinh trong lớp. Tổ chức các hoạt động học tập dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn để thu hút sự tham gia của số đông học sinh trong lớp.
Ngoài ra, cần động viên kịp thời tới học sinh, lời giảng mang tính chất khích lệ trong học tập sẽ tạo sự gần gũi với học sinh và hiệu quả sẽ mang lại rất lớn.
Cũng theo cô Thu Anh, đối với lớp 1, đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì vào thực tế qua việc học.
Theo đó, học sinh sẽ tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Do đó, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập….biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới.
Kinh nghiêm của cô Thu Anh là định hướng cho học sinh cách tư duy như: phân tích, tổng hợp, khái quát từ kiến thức đã học đến kiến thức mới… Từ đó dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo của các em.
“Qua đó, học sinh sẽ vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân để giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh” – cô Thu Anh trao đổi.