Nếu chỉ chuẩn thôi vẫn chưa đủ
Hệ thống trường ngoài công lập ra đời do tự thân vận động là chính. Do đó, để có được sự tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với trường công, bắt buộc người hiệu trưởng phải có tâm, có tầm, dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cao. Bản thân người hiệu trưởng phải tự thân vận động và điều hành hoạt động toàn trường sao cho hiệu quả.
Theo NGND Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Nếu chỉ áp dụng chuẩn chung thôi thì với Hiệu trưởng trường ngoài công lập chưa thể đủ, nó mới chỉ là yếu tố cần. Do đặc thù của từng loại mô hình nhà trường nên vai trò của hiệu trưởng trường công lập với ngoài công lập có sự khác nhau.
Điểm khác biệt quan trọng nhất đó chính là thể hiện sự khác nhau ở cơ chế quản lý. Cụ thể, với hiệu trưởng trường công thì hiệu trưởng đảm trách công tác quản lý chung, các hiệu phó sẽ đảm trách theo mảng miếng công việc được phân công như cơ sở vật chất, chuyên môn… Tùy thuộc vào số lượng học sinh, số lượng hiệu phó nhiều hay ít.
Trong khi đó. Hiệu trưởng trường ngoài công lập cũng có nhiệm vụ quản lý chung như vậy, nhưng trách nhiệm lại yêu cầu ở mức cao hơn. Nếu hiệu trưởng không sát sao công việc, đôn đốc hiệu phó hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường.
Sức ép công việc với người đứng đầu nhà trường giữa hai loại hình cũng tạo nên sự khác nhau rõ rệt. Hiệu trưởng trường ngoài công lập, trước khi mở trưởng phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, kinh phí xây dựng, lo tổ chức Hội đồng nhà trường, lo đội ngũ và cả bài toán chiêu sinh thu hút được học sinh.
Vì vậy, để tồn tại và phát triển được, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay bắt buộc hệ thống trường ngoài công lập phải chiêu hiền đãi sĩ, phải có được đội ngũ cán bộ và giáo viên có tay nghề giỏi để hút học sinh. Nếu không, trường thành lập ra, ít học sinh sẽ là thất bại lớn cho nhà trường.
Trong khi đó, bài toán sĩ số với trường công không chịu áp lực như vậy, học sinh học theo đúng tuyến, đến tuổi thì đi học. Nếu trường đông học sinh, bắt buộc cấp Sở, cấp phòng GD&ĐT có giải pháp giải quyết như tăng lớp học, hoặc bổ sung sang các trường lân cận. Điều đó có nghĩa, cái khó của Hiệu trưởng trường công lập luôn được các cấp, các ngành quan tâm và giải quyết thấu đáo. trong khi đó, với trường ngoài công lập hoàn toàn không.
Khó khăn cần được chia sẻ
Hiệu trưởng Trường Mầm non Kid Key (Hà Nội) Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: Trường vừa thành lập nên hiệu trưởng phải đối mặt với khó khăn và vất vả. Trước hết khó khăn về tuyển dội ngũ giáo viên. Đa số trường chỉ tuyển được sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Do đó trường phải mất một thời gian tự đào tạo đội ngũ. Thêm vào đó, bản thân giáo viên không yên tâm làm việc trong môi trường trường ngoài công lập, họ vẫn muốn tìm đến công việc tại trường công lập để công việc ổn định, không bấp bênh.
Về đầu tư cơ sở vật chất, trường ngoài công lập phải tự bỏ tiền túi ra để đầu tư, bắt buộc hiệu trưởng phải hạch toán, cân đối chi tiêu bởi các khoản đầu tư này không hề nhỏ. Thêm vào đó, trẻ đến trường, thường là lứa tuổi 24 - 36 tháng. Công tác chăm nuôi rất vất vả. Nhưng khi trẻ ngoài 36 tháng, các con đã khôn lớn, được rèn cơ bản ở trường ngoài công lập rồi thì phụ huynh lại chuyển con về học ở trường công lập.
Các khoản thu của trường ngoài công lập hoàn toàn là do sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Đóng góp của phụ huynh học sinh là điều kiện để giúp cho hoạt động giáo dục trường học phát triển. Hiệu trưởng có quyền quyết mức trả lương giáo viên, căn cứ từ sự thỏa thuận khi tuyển dụng. Và do tự chủ tài chính nên trường ngoài công lập nếu mạnh về tài chính sẽ có sự đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, điều kiện bán trú, trang bị phòng máy, thư viện.
Làm thế nào để ngôi trường mình sáng lập ra tồn tại, phát triển tốt, đáp ứng tốt nhu cầu đi học của học sinh luôn là bài toán khó cho bất cứ Hiệu trưởng nào. Ngay trên địa bàn Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều tỉnh thành phát triển khác, dù trường ngoài công lập đã gây dựng được thương hiệu giáo dục tốt trong xã hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trường ngoài công lập muốn phát triển, Hiệu trưởng càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết được cạnh tranh lành mạnh giữa trường công lập với trường ngoài công lập.