Quá tải trường lớp
Kết quả khảo sát số liệu học sinh tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho thấy, có 1.081 trẻ sinh năm 2013, sẽ vào lớp 6 năm học 2024 - 2025. Thế nhưng, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chỉ tiếp nhận được tối đa là 500 học sinh đầu cấp.
Phòng GD&ĐT Liên Chiểu đã phải điều tiết học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc sang học tại các trường THCS khác theo hướng liên cư, liên địa. Cụ thể, 188 em sẽ tuyển sinh tại Trường THCS Lê Anh Xuân, 189 học sinh vào Trường THCS Đàm Quang Trung, 192 học sinh vào Trường THCS Lương Thế Vinh.
Tuyển sinh đầu cấp của 2 phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam của quận Liên Chiểu luôn trong tình trạng “nóng” vì quy mô học sinh tăng nhanh và chủ yếu là tăng cơ học. Vì vậy, công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025 đã được Phòng GD&ĐT Liên Chiểu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, việc học sinh lớp 1 và lớp 6 của phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam được điều chuyển sang các trường nằm lân cận. Việc này dẫn đến một số tổ của Hòa Minh có học sinh nằm gần các trường tiểu học và THCS phải tịnh tiến đến các trường khác nằm trong địa bàn phường Hòa Minh.
Như năm nay, số học sinh vào lớp Một của phường Hòa Khánh Bắc là 1.065 học sinh, tương ứng với gần 26 lớp/26 phòng học. Nhưng tổng số phòng học của Trường Tiểu học Âu Cơ và Ngô Sĩ Liên dành cho học sinh lớp 1 là 13 phòng/13 lớp tương ứng với tối đa là 540 học sinh.
Do đó, quận Liên Chiểu phải điều tiết tuyển sinh, phân tuyến để một số lượng trẻ nằm trong độ tuổi vào lớp Một của phường Hòa Khánh Bắc đến học tại các trường tiểu học trên địa bàn các phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam.
Theo đó, học sinh ở độ tuổi vào lớp 1 cư trú trên phường Hòa Khánh Nam sẽ có 5 tuyến tuyển sinh. Trong đó, 540 học sinh sẽ theo học 2 trường tiểu học trên địa bàn. Số còn lại, sẽ phân tuyến theo tổ dân cư, chuyển sang các trường tiểu học lân cận thuộc phường Hòa Khánh Nam. Cụ thể: Trường Tiểu học Phan Phu Tiên tiếp nhận tuyển sinh 129 học sinh, 361 học sinh vào học tại Trường Võ Thị Sáu, 35 học sinh vào Trường Nguyễn Đức Cảnh.
Việc phân luồng tuyển sinh theo hướng liên cơ - liên địa, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, học sinh sẽ đi học quãng đường ngắn nhất, hạn chế tối đa việc di chuyển qua đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam. Nếu tuyển sinh đúng tuyến, sẽ có tình trạng phụ huynh phải di chuyển từ đầu phường đến cuối phường để đưa con đi học. Vì vậy, hộ khẩu chỉ là một yếu tố tham khảo trong tuyển sinh.
Chính vì vậy, trong số 700 học sinh vào độ tuổi lớp 6 đang cư trú tại phường Hòa Khánh Nam, sẽ có 550 em theo học tại Trường THCS Ngô Thì Nhậm. Số học sinh còn lại nhập học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Hòa Minh. Trường THCS Ngô Thì Nhậm chỉ có thể tuyển tối đa là 12 lớp với 550 học sinh.
Phòng GD&ĐT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã tham mưu UBND quận bổ sung quy chế tuyển sinh lớp 6 của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Theo phân tuyến tuyển sinh, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng sẽ tiếp nhận học sinh lớp 6 cư trú từ tổ 1 - tổ 68 phường Hòa Khê và tổ 72 - tổ 90 phường An Khê. Tuy nhiên, số lượng học sinh vào lớp 6 năm nay khá đông trong khi cơ sở vật chất của trường không đáp ứng đủ.
Vì vậy, với riêng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, sẽ thực hiện tuyển sinh những trường hợp học sinh có sinh sống thực tế tại địa phương đồng thời có đăng ký thông tin cư trú đã được Công an phường xác nhận trước ngày 1/4/2024.
Đối với những học sinh có tên trong danh sách rà soát dự kiến tuyển sinh của UBND phường nhưng không đăng ký thông tin cư trú tại Công an phường trên địa bàn tuyển sinh và những trường hợp học sinh được đăng ký thông tin cư trú tại Công an phường sau ngày 1/4/2024 thực hiện điều chuyển tuyển sinh sang Trường THCS Phan Đình Phùng.
Bài toán 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học
Theo ông Nguyễn Thanh Lịch, năm học 2023 - 2024 sắp tới, 100% học sinh tiểu học trên địa bàn quận sẽ học 2 buổi/ngày theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018.
Liên Chiểu hiện có 11 trường tiểu học nhưng tổng số học sinh của hầu hết các trường đều trên 1.100 học sinh. Trong đó có một trường tiểu học có quy mô trên 2.200 học sinh. Chính vì vậy, để đủ số phòng học đáp ứng 100% học sinh học 2 buổi/ngày, ngoài điều tiết tuyển sinh và xây dựng thêm phòng học ở một số trường, Liên Chiểu buộc phải sử dụng sảnh chơi và tập thể dục của học sinh để ngăn thành phòng học.
Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Âu Cơ sẽ ngăn sảnh làm 4 phòng học tạm. Trường Tiểu học Duy Tân ngăn phòng Hội đồng và sảnh làm 2 phòng học tạm. Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên phải ngăn thư viện để có thêm 2 phòng.
Ngoài ra, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đang triển khai xây dựng giai đoạn 4. Sẽ có 14 phòng học được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên tăng thêm 2 lớp, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh tăng thêm 4 lớp. Vì vậy, Liên Chiểu nâng tỉ lệ học sinh 2 buổi/ngày từ 85% lên 100% theo đúng như yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Tức là, học sinh sẽ được học ít nhất là 9 buổi/tuần, một số trường đáp ứng được tỉ lệ GV sẽ học 10 buổi/tuần.
Để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn quận trong học 2024 - 2025 và năm học 2025 - 2026, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu đề nghị UBND các cấp cần ưu tiên triển khai thực hiện xây dựng mới các trường học tại các khu vực.
Trong đó, xây dựng mới các trường Tiểu học Hòa Hiệp giai đoạn 1 (dự án cơ sở 2 của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh); Trường Tiểu học Hòa Khánh Bắc tại số 75 đường Nguyễn Lương Bằng; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Liên Chiểu tại số 27 đường Hoàng Văn Thái và số 60 đường Đào Sư Tích.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đã được phê duyệt gồm Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh và Tiểu học Duy Tân. Hiện nay, dự án Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đang triển khai xây dựng giai đoạn 4 và Trường Tiểu học Hồng Quang đang triển khai xây dựng.
Dù số lượng học sinh được học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học của quận Liên Chiểu tăng lên qua từng năm học, nhưng theo ông Lê Văn Nghĩa - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.
“Các trường tiểu học trên địa bàn quận, ngoài tăng sĩ số học sinh/lớp còn phải tận dụng các phòng chức năng, bộ môn, thậm chí ngăn cả sảnh chơi của học sinh để làm phòng học. Điều này đi ngược lại với mục tiêu giáo dục toàn diện của Chương trình GDPT 2018, học sinh khó có điều kiện để phát triển các kỹ năng cũng như các môn năng khiếu” - ông Nghĩa nhận xét.
Ý kiến bạn đọc