Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giảng dạy cũng được đặc biệt quan tâm.
Ngày 9/7, Sở GD&ĐT TPHCM khai mạc hội thảo tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa lớp 5 và sách giáo khoa ngoại ngữ 1 năm học 2024 - 2025. Hơn 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được tập huấn trong dịp này. Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trước khi tham gia tập huấn, mỗi giáo viên được phân công giảng dạy lớp 5 đã có thời gian tự bồi dưỡng, nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu, băng hình giới thiệu môn học, băng hình tiết dạy minh họa và các tài nguyên được nhà xuất bản cung cấp.
Theo các giáo viên tham gia buổi tập huấn, tuy năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở khối 5 nhưng thầy cô vẫn có nhiều thuận lợi do được kế thừa tinh thần tập huấn, đổi mới về chương trình ở các khối lớp dưới.
Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) cho biết, hiện giáo viên cấp THCS vẫn chờ lịch bồi dưỡng thường xuyên của phòng GD&ĐT quận, sở GD&ĐT với sách giáo khoa lớp 9. Nhiều thầy, cô giáo đã chủ động tìm đọc và soạn trước các bài trong sách giáo khoa mới để chuẩn bị tốt nhất cho năm học cũng như có nền tảng vững vàng khi tham gia lớp tập huấn.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên biên soạn và chia sẻ các tài liệu tham khảo để phục vụ việc dạy học Chương trình GDPT 2018, đặc biệt ở các lớp cuối cấp. “Dù chỉ dạy 1 trong 3 bộ sách nhưng nhiều giáo viên đã đọc và nghiên cứu cả 3 bộ. Không chỉ vậy, giáo viên còn so sánh với kiến thức được dạy trong chương trình mới và cũ để mở rộng tư liệu.
Chúng tôi có nhiều vấn đề muốn đặt câu hỏi với các tác giả sách giáo khoa trong buổi tập huấn”, thầy Bảo nói và cho rằng, việc tập huấn, bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên, không chỉ liên quan đến dạy học mà rộng hơn là công tác kiểm tra, đánh giá. Riêng môn Ngữ văn, giáo viên cần được bồi dưỡng thêm về việc ra đề kiểm tra. Lý do, đề kiểm tra môn Ngữ văn trong những năm qua vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ xã hội. Bản thân giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi chọn ngữ liệu, cách thức ra đề.
“Đối với các lớp cuối cấp, đặc biệt lớp 9 và 12, giáo viên cần được bồi dưỡng về việc ôn thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Cần sớm có định hướng về đề thi, cách thức ra đề để giáo viên chủ động hơn trong dạy và ôn tập cho học sinh”, thầy Bảo trăn trở.
Thầy Phạm Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng, qua nhiều năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên được tập huấn và thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần lưu ý cải thiện như nhu cầu cơ sở vật chất, hỗ trợ để đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp.
“Giáo viên phải được tập huấn sớm về cấu trúc đề kiểm tra đánh giá để học sinh tiếp cận và làm quen với hình thức mới vì đây là các kỳ thi quan trọng. Sách giáo khoa, sách tham khảo cần có sớm để thuận lợi cho giáo viên trong việc soạn bài giảng. Các khóa tập huấn về việc soạn đề kiểm tra phải phù hợp với chương trình mới, có kho đề kiểm tra dùng chung, tránh trường hợp đề thi ra theo hướng cục bộ”, thầy Danh nói.
Năm học 2024 - 2025, lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là các khối lớp cuối cùng triển khai sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy cũng được đặc biệt quan tâm. Vì đây là những khối lớp cuối cấp, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên đóng vai trò quan trọng.
Trường Tiểu học Rạch Gòi A (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất cho năm học tới. Năm nay, nhà trường chọn bộ Chân trời sáng tạo cho khối lớp 5. Theo thầy Trần Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngoài cơ sở vật chất, nhà trường còn chú trọng chuẩn bị đội ngũ. Đơn vị lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm tham gia các lớp tập huấn sách giáo khoa mới do ngành tổ chức.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên lớp 5, 9, 12 chương trình mới được triển khai từ rất sớm. Các trường ưu tiên chọn giáo viên trẻ, năng động phụ trách các khối lớp này, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu xây dựng giáo án bài giảng phù hợp theo chương trình mới…
Thầy Phạm Ngọc Thể - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) thông tin: “Trường cử 4 giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và một số giáo viên bộ môn tham gia nghe giới thiệu sách, tập huấn trực tiếp và trực tuyến về chương trình, sách giáo khoa mới. Ngoài tập huấn, ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên còn không ngừng tự học tập, trau dồi những kỹ năng, kiến thức mới đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
Ở cấp THPT, công tác bồi dưỡng, tập huấn, tự bồi dưỡng nhà giáo ở nhiều địa phương cũng khẩn trương triển khai. Theo thống kê của Trường THPT Long Mỹ (thị xã Long Mỹ, Hậu Giang), năm học 2024 - 2025, trường có 16 lớp 12, với khoảng 675 học sinh.
Theo cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Trúc Linh, các thầy cô dạy sách giáo khoa mới ở lớp 12 được tập huấn trực tuyến. Trường đã cho giáo viên nghe giới thiệu, nghiên cứu sách giáo khoa trên các bản mẫu, đường link của nhà xuất bản. Mỗi giáo viên viết nhận xét từng cuốn sách dựa trên tiêu chí ban hành, từ đó, trường tổ chức họp thống nhất lấy ý kiến của giáo viên lựa chọn sách cho năm học mới...
Bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết: Đa số giáo viên, cán bộ quản lý trên địa bàn tỉnh nắm bắt khá rõ chương trình mới trong các bộ sách của 3 khối lớp. Sở GD&ĐT đang tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên được phân công dạy lớp 5, 9, 12 và cán bộ quản lý giáo dục, nội dung nhấn mạnh đến phương pháp giảng dạy của bộ sách được các đơn vị lựa chọn, giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm bắt kế hoạch bài dạy của Chương trình GDPT 2018.
Tác giả bài viết: Quốc Ngữ - Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc