Đúng như kế hoạch, 8 giờ ngày 17/7, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngay sau đó, phổ điểm các môn thi và phổ điểm một số tổ hợp môn thi để xét tuyển đại học cũng được Bộ GD&ĐT công bố.
Theo đó, trung bình điểm thi năm 2024 toàn quốc đạt 6,682, tăng 0,22 điểm so với năm 2023 (6,462 điểm). Tuy nhiên, số điểm 10 lại giảm so với năm 2023; trong đó, giảm nhiều là các môn Sinh học, Vật lí Giáo dục công dân. Đặc biệt, môn Toán không có điểm 10.
Một số địa phương có trung bình điểm thi cao như Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nam, An Giang…
Theo đánh giá của chuyên gia, cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Điều đó thể hiện kết quả của Kỳ thi khá ổn định so với những kỳ thi trước và kết quả đó phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông.
Bên cạnh Môn Sinh học vẫn giữ được phân phối chuẩn với phổ điểm đẹp thì Môn Lịch sử năm cũng có thay đổi khi phổ điểm chuẩn hơn và điểm trung bình cũng cao hơn, đây là tín hiệu đáng mừng.
Môn Ngoại ngữ vẫn phân nhóm thí sinh khi có 2 đỉnh, điều này cho thấy có một nhóm thí sinh có điều kiện được đầu tư học Ngoại ngữ bài bản và tốt hơn phần đông còn lại.
Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa về kết quả giữa các môn học, hoàn toàn đủ điều kiện và là căn cứ tin cậy cho các trường đại học xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh.
Sau khi có điểm thi, phổ điểm, từ 18/7 đến 30/7, thí sinh bắt đầu đăng ký và điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng (không giới hạn số lần) xét tuyển vào ĐH trên Hệ thống.
Các thầy cô, chuyên gia cũng đưa những lời khuyên giúp học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp.
Theo lời khuyên của thầy cô, chuyên gia, thí sinh cần tính toán kỹ và có các phương án đăng ký nguyện vọng dự phòng phù hợp, tránh tập trung tất cả các nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn gần nhau ở các năm trước đây.
Những em đã trúng tuyển sớm bằng xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, các loại chứng chỉ..., cần đăng ký các nguyện vọng này lên hệ thống để được công nhận chính thức.
Ngược lại, thí sinh cũng có thể bỏ ngành đã "trúng tuyển sớm" nếu không thực sự yêu thích, không có nguyện vọng nhập học.
Sau khi hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, với mức 20.000 đồng một nguyện vọng. Điểm chuẩn đại học được công bố trước 17h ngày 19/8.
Một thông tin giáo dục được chú ý tuần qua là việc Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học; nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2024.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hai nhóm ngành này năm 2024 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi được giữ ổn định như năm 2023.
Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22,5 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm; các ngành gồm: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 19 điểm.
Sáng 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Phó Thủ tướng về những công việc triển khai trong thời gian qua với cả kết quả đạt được và vấn đề còn khó khăn, tồn tại, hạn chế
Bộ GD&ĐT đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế ngành giáo dục giai đoạn 2026 - 2030 đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp, học sinh bảo đảm nguyên tắc “Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng của một số môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật…) giải quyết vấn đề thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn học này.
Chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% trong tổng chi chi ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019.
Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhất là kinh phí thực hiện các Đề án phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại các vùng trên toàn quốc; bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục phổ thông…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua. Trong đó, cùng với nhận định chính sách được làm kỹ hơn, tầm nhìn xa hơn và từng bước cải thiện chất lượng; kiểm tra, đánh giá, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng thực chất hơn… Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khẳng định giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong 3 đột phá chiến lược và được xã hội đặc biệt coi trọng, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, chia sẻ về đặc thù ngành Giáo dục. Theo đó, với giáo dục và đào tạo, để có được kết quả từ chính sách là cả một quá trình, kết quả đào tạo con người phải tính cả trăm năm, không dễ dàng đột phá. Điều này đòi hỏi sự bình tĩnh, bản lĩnh, nhất quán trong quan điểm.
Chia sẻ với khó khăn của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một lĩnh vực khó lượng hóa, trong thời gian dài mới có kết quả và luôn có khoảng cách nhất định giữa nhu cầu và khả năng. Có những việc thống nhất được chủ trương, nhưng để đi được đến kết quả là cả một quá trình thỏa thuận, trao đổi, không thể tự quyết…
Từ những nhận định chung này, Phó Thủ tướng đã có những trao đổi về cách thức để triển khai các công việc có hiệu quả, bảo đảm tính khả thi.
Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2024. Theo đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 6 học sinh dự thi. Kết quả, 6/6 học sinh đoạt huy chương và bằng khen; gồm: 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng, 1 Bằng khen.
Theo quy định, Ban tổ chức trao giải chính thức cho 50% thí sinh tham dự. Ngoài ra Ban tổ chức trao bằng khen cho các em học sinh đạt điểm tối đa cho 1 bài toán.
Ban Tổ chức IMO 2024 sẽ tổ Lễ bế mạc và trao giải vào ngày 21/7/2024, bắt đầu từ lúc 16h00 (giờ Vương quốc Anh).
Tác giả bài viết: Hải Bình t/h
Ý kiến bạn đọc