Chiều 22/7, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2024, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo Chuyên đề Thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng
Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đến các khối lớp, trừ lớp 5, lớp 9, lớp 12 là các lớp cuối cấp học sẽ thực hiện từ năm học 2024 - 2025. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là “tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận”.
Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Chương trình được triển khai ở tất cả các địa phương, nhà trường theo đúng lộ trình quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu đổi mới.
Đối với việc tổ chức dạy học các môn học mới, Bộ GD&ĐT đánh giá, các trường đã chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục đã được các tổ chuyên môn xây dựng chủ động điều chỉnh về nội dung, thời lượng phù hợp với đối tượng học sinh.
Việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới, nhất là các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử Địa lí) đã từng bước khắc phục được khó khăn do các giáo viên (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học.
Đến nay, khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học này đã cơ bản được tháo gỡ sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 5636/BGDĐT- GDTrH ngày 10/10/2023 về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngày càng hiệu quả; tổ chức hoạt động học tích cực của học sinh ngày càng cao.
Việc đánh giá học sinh đã chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Chương trình GDPT 2018 tuy chưa triển khai trọn vẹn chu trình, nhưng qua kiểm tra, giám sát, Bộ GD&ĐT đánh giá, kết quả thực hiện Chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn.
Qua triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh đã tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống.
“Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối các năm học từ năm học 2020 - 2021 đến nay cho thấy tất cả các cơ sở giáo dục đã hoàn thành Chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt, có một số điểm nổi trội hơn so với Chương trình Giáo dục phổ thông 2006”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình, Bộ GD&ĐT chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, dẫn tới việc dạy học và kiểm tra, đánh giá còn nặng về dạy nội dung sách giáo khoa, chưa phát huy được vai trò của sách giáo khoa như là phương tiện để đạt được mục tiêu của chương trình.
Còn tâm lí băn khoăn, lo lắng về việc học sinh chỉ được học theo một sách giáo khoa lựa chọn mà không được học theo sách giáo khoa khác sẽ không đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá, thi.
Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên băn khoăn khi học sinh chuyển môn học lựa chọn (đối với cấp trung học phổ thông), chuyển trường giữa các trường sử dụng sách giáo khoa khác nhau.
Khi triển khai, một số địa phương, cơ sở giáo dục phân công giáo viên và tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa phù hợp gây khó khăn trong giáo viên và ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
Xuất phát từ một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới còn hạn chế; năng lực ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nên ảnh hưởng đến chất lượng triển khai chương trình.
Cần phát huy tính ưu việt của Chương trình
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, để đạt được kết quả trên là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, đặc biệt là tâm huyết của các đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT trong quá trình chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện tại địa phương.
Trong quá trình triển khai Chương trình còn nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành đã nỗ lực khắc phục, tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình.
Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, Bộ GD&ĐT ghi nhận các đơn vị giáo dục trong việc phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa kịp thời, đầy đủ tới tất cả học sinh, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương luôn bám sát tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ để được hướng dẫn, giải quyết. Phía Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản để tháo gỡ khó khăn về phân công giáo viên, tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, nhất là đối với việc triển khai các môn tích hợp.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh một số vấn đề cần triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện Chương trình, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; phát huy ưu việt của việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” để khắc phục triệt để việc dạy học nặng về truyền thụ kiến thức nâng cao hiệu quả dạy học phát triển năng lực học sinh.
Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (phân phối chương trình môn học, phân công giáo viên, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với việc thực hiện chương trình); nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch bài dạy; tổ chức hiệu quả việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của Chương trình.
Chỉ đạo thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá, chú trọng cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025, nhất là đối với học sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025.
Toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương; bảo đảm đủ sách giáo khoa cho tất cả các môn học và các đối tượng học sinh; có phương án in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Ý kiến bạn đọc