Học nội trú: Ngơ ngác ngày mới vào trường

Chủ nhật - 21/07/2024 02:33 29 0
Các em phải làm quen dần các kỹ năng tự phục vụ bản thân cùng nền nếp sinh hoạt, học tập ở môi trường tập thể.Những pha thót timGắn bó nhiều năm với trường dân tộc nội trú, thầy Hoàng Đức Hoà - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nhớ như in câu chuyện đi tìm trò...
Học nội trú: Ngơ ngác ngày mới vào trường

Các em phải làm quen dần các kỹ năng tự phục vụ bản thân cùng nền nếp sinh hoạt, học tập ở môi trường tập thể.

Những pha thót tim

Gắn bó nhiều năm với trường dân tộc nội trú, thầy Hoàng Đức Hoà - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nhớ như in câu chuyện đi tìm trò của mình và đồng nghiệp.

Thầy Hoà kể lại: “Học trò đa phần ở miền núi, nhà nằm sâu trong rừng. Khi các em bỏ về, thầy cô phải chia nhau đi tìm rất vất vả. Năm đó, một cô giáo trẻ được phân công đón học sinh nhà cách trường mấy chục km, chủ yếu đi đường rừng. Do đường xa, đến nhà trò trời đã tối. Sau khi cùng phụ huynh động viên, học trò đồng ý theo cô về trường. Tuy nhiên, đi được nửa đường, học sinh sợ trời tối đã nhảy khỏi xe cô giáo và bỏ chạy về nhà. Lúc ấy, đồng nghiệp của tôi đứng một mình giữa đường rừng hoang vắng, không kìm nén được cảm xúc đã khóc òa”.

Cô Nguyễn Thị Thu Ba - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cũng không nhớ nổi đã bao lần băng rừng tìm học trò. “Sáng ra, các em vẫn tham gia ăn sáng ở khu nhà ăn bán trú, nhưng vào tiết học lại không thấy trò đâu. Cô giáo không thể bỏ tiết dạy đi tìm ngay nên trước hết phải báo cho phụ huynh, trưởng thôn để nắm tình hình. Có tiết trống, cô cuống cuồng đi tìm học sinh. Mỗi lần tìm không giống nhau. Có khi các em đi ra suối bắt cá cùng anh chị, lúc trên đường trở về nhà”, cô Thu Ba kể.

ngo ngac ngay moi vao truong (1).jpg
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập được cô giáo hướng dẫn cách gói bánh chưng chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa dân gian của trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: NTCC

Thời gian trực của giáo viên phụ trách nội trú như cô Thu Ba thường bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng đến 21 giờ hằng ngày. Nhưng với học sinh lớp 3, mới chuyển từ các điểm trường lẻ về học tập tại điểm trường chính thì thời gian đầu, thầy cô phải “bám” học sinh nội trú có khi đến tận đêm khuya bởi các em chưa quen nền nếp sinh hoạt ở trường.

Năm học 2023 – 2024, cô Thu Ba đã mấy lần đưa học sinh vào viện cấp cứu lúc nửa đêm. Như trường hợp em Hồ Thu Thu Giang - học sinh lớp 5/3. Cô Thu Ba vừa rời khu nội trú về đến nhà thì nhận được điện thoại của giáo viên trực báo có học sinh lớp mình chủ nhiệm đau nặng, đã đưa xuống phòng y tế theo dõi nhưng không xác định được nguyên nhân.

“Thế là mình lại quay xe ngược trở lại trường. Hỏi đau thế nào thì Giang chỉ tả đau bụng từng cơn. Cứ đỡ một lúc lại thấy ôm bụng rên la. Tôi sợ học sinh bị viêm ruột thừa, không xử lý kịp. Lo quá, tôi chở trò vào bệnh viện để khám cấp cứu. Cô giáo thanh toán luôn khoản tạm ứng viện phí. Kết quả siêu âm, em chỉ bị đau bụng do giun sán, khi đấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, cô Ba kể.

ngo ngac ngay moi vao truong (2).jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Ba cắt tóc cho học sinh nội trú. Ảnh: NVCC

Không thể thiếu vai trò của gia đình

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), chia sẻ: “Học ở trường dân tộc nội trú, học sinh sẽ tiếp xúc với thầy cô, bạn bè nhiều địa phương, do đó văn hoá, tập quán khác nhau. Thời gian đầu, các em chưa quen, không hiểu tính cách bạn bè nên dễ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Do đó, phụ huynh cần phân tích, hướng dẫn trẻ một số kỹ năng như: Giao tiếp, nhanh thích nghi môi trường mới, tính tự lập.

Đồng thời, bố mẹ có thể tham khảo thêm những gia đình có học sinh đã học nội trú về kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc bản thân, quản lý thời gian, tự học, nội quy, quy định học tại trường để giúp các em hình dung trước về môi trường sắp tới mình sống và học tập”.

Cùng đó, phụ huynh cần giáo dục các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân, sức khoẻ lúc sống xa gia đình. Ví dụ: Khi cơ thể không khoẻ hay có vấn đề cần báo với giáo viên, nhân viên y tế để khám và phát thuốc. Cô Kim Dung đặc biệt lưu ý, với học sinh lần đầu học trường nội trú sẽ háo hức nhưng cũng có em chưa hình dung ra cuộc sống tự lập thế nào nên lo lắng khi phải sống xa bố mẹ, người thân, thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giáo viên, nhà trường phân công.

ngo ngac ngay moi vao truong 1.jpg
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), chăm sóc học sinh bị ốm. Ảnh: NVCC

Với mục đích giúp học sinh ổn định tâm thế khi sinh hoạt, học tập xa nhà, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi dành một tuần “sinh hoạt nội vụ” để học sinh lớp 10 làm quen môi trường nội trú.

“Phần lớn học sinh lớp 10 của trường đã có thời gian ở bán trú hoặc nội trú khi học tiểu học, THCS ở huyện. Chính vì vậy, các em hòa nhập nhanh, sớm ổn định nền nếp sinh hoạt, học tập, tuân thủ tốt nội quy. Chỉ một bộ phận nhỏ học sinh lần đầu ở nội trú, chưa quen giờ giấc sinh hoạt. Tuy nhiên, các bạn ở cùng phòng sẽ nhắc nhở, hỗ trợ nhau nên những bỡ ngỡ ban đầu sớm qua đi”, thầy Bùi Thế Giới - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét.

Học sinh lần đầu đến trường nội trú phần lớn còn bỡ ngỡ, chưa quen cuộc sống tập thể. Bởi vậy, sau khi có danh sách trúng tuyển, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (Nghệ An) chủ động liên lạc trực tiếp với phụ huynh để hướng dẫn cụ thể những đồ dùng cần chuẩn bị khi sống ở môi trường mới, giúp các em chủ động và có tâm thế tốt nhất.

“Nhà trường cũng lưu ý phụ huynh hướng dẫn trẻ kỹ năng sống tự lập, hợp tác, chủ động làm quen tập thể đa dân tộc, văn hoá. Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng được phụ huynh chuẩn bị sẵn sàng những điều cần thiết hỗ trợ bước vào cuộc sống nội trú”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ.

ngo ngac ngay moi vao truong (3).jpg
Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều hoạt động văn hoá để học sinh nhà trường được giao lưu, chia sẻ văn hoá của dân tộc mình. Ảnh: NTCC

Điểm tựa của trò

Để các em hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, theo kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Thu Ba - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ và rèn cho học sinh kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Các em được dạy từ cách đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn, giặt quần áo, rửa chén bát, đi vệ sinh.

Đặc biệt, để giữ gìn khu vệ sinh chung, thầy cô tập luyện cho các em rất nhiều về cách đi vệ sinh, sử dụng giấy để lau sau khi vệ sinh xong, cách dội nước sao cho sạch. Thời gian đầu phải chỉ từng chút một… nhưng với học sinh nhỏ tuổi, vừa dạy hôm trước, hôm sau lại quên nên phải kiên trì mới có thể thành nếp.

Sau khi học sinh nhập học, Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An ưu tiên dạy trước các kỹ năng hoà nhập nội trú, nội quy, quy định của trường học và kí túc xá. “Nhiều em sống ở miền núi, vùng sâu xa, chưa tiếp xúc với thiết bị hiện đại như bồn cầu vệ sinh, máy điều hòa, tivi kết nối Internet, máy tính phòng thực hành... Vì thế, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường, Ban quản sinh và các tình nguyện hỗ trợ hướng dẫn cặn kẽ”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa thông tin.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đên - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa đứng lớp đồng thời đảm nhận vai trò bố mẹ của 10 học sinh ở độ tuổi lớp 1 - 2 từ nóc Ông Cường sang học điểm trường Ông Dũ. Cứ 5 giờ 30 phút hằng ngày, thầy Đên dậy chuẩn bị bữa sáng cho học sinh. Thầy vừa dạy học vừa chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang những lúc trò đau ốm; vỗ về khi các em nhớ nhà, rèn kỹ năng tự phục vụ… Học sinh còn bé dại nên thầy chăm như con cái của mình.

Những em sinh sống ở nóc Ông Cường phải qua suối và một con dốc khá cao. Trên núi hay có mưa lũ bất thường, nhất là buổi chiều, đi về rất nguy hiểm. Để các em tự đi về buổi trưa thì nguy cơ cao buổi chiều sẽ ở nhà, không trở lại trường để học. Thế nên, từ nguồn hỗ trợ của các đội nhóm thiện nguyện, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân đã duy trì bán trú cả tuần cho học sinh. Thầy cô đứng điểm nhận thêm nhiều phần việc không tên để học sinh được an toàn, ngày ngày không phải trèo đèo lội suối trong những tiết trời mùa Đông giá lạnh.

Thầy Hoàng Đức Hoà - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Bố Trạch chia sẻ, dạy học sinh dân tộc nội trú thì thầy cô chính là cha mẹ, người thân. Do đó ngay khi các em nhập học, trường đã tổ chức làm quen chỗ ăn ở, sinh hoạt; hướng dẫn học trò vệ sinh cá nhân, hiểu về công tác ăn, ở nội trú; tổ chức nhiều hoạt động tập thể để học sinh hòa đồng. Đặc biệt, nhà trường còn phân công giáo viên phụ trách các phòng hướng dẫn thêm kỹ năng, cách học tập.

“Lứa tuổi hơn 10 đi học nội trú, các em đang sống trong vòng tay bố mẹ chăm sóc nên còn nhút nhát. Theo đó, chúng tôi ưu tiên cho các em sống chung phòng với bạn cùng bản, xã, anh chị khoá trên để hỗ trợ bảo ban tránh bỡ ngỡ và động viên nhau học tập. Thầy cô luôn gần gũi động viên để các em bớt nhớ nhà và bỏ về”, thầy Hoà tâm sự.

Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) từ lâu duy trì mô hình Câu lạc bộ thân thiện thực hiện truyền thông về sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên trong các trường có học sinh ở nội trú. Đội ngũ tư vấn là các cô giáo, người có uy tín và một số học sinh ưu tú được lựa chọn.

Với sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, các tư vấn viên sẽ tiếp cận, khơi gợi cho các em chia sẻ những thay đổi về thể chất lẫn tâm lý lứa tuổi vị thành niên (có thể các em do e ngại, rụt rè không thể bày tỏ trong các buổi tuyên truyền sức khỏe sinh sản được tổ chức tại lớp). Những chia sẻ này là căn cứ để các tư vấn viên có cách tuyên truyền, hướng dẫn học sinh nữ về kỹ năng sống, cách thức bảo vệ mình, hậu quả của quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục thế nào cho an toàn.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên - Ngô Chuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập822
  • Hôm nay55,732
  • Tháng hiện tại333,862
  • Tổng lượt truy cập51,689,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944