Mong muốn cuộc sống vùng biên đổi thay, bộ đội biên phòng Kon Tum đã giúp bà con bước qua hủ tục, biết đọc biết viết để áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng phát triển, đói nghèo dần bị đẩy lùi.
Huyện Ngọc Hồi ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum và nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia nên có vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát… để phòng, chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới, những năm qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) luôn quan tâm, đồng hành cùng người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Hàng chục năm về trước, huyện biên giới chỉ là một vùng đất hoang vu, bà con canh tác nay đây, mai đó để duy trì cuộc sống. Đời sống thiếu thốn, đói nghèo và lạc hậu nên các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y thay phiên nhau tuyên truyền, dạy bà con biết đọc, biết viết.
Thời gian đầu lớp chỉ lác đác vài học viên, lâu dần nhận thấy lợi ích của việc học, người dân tham gia ngày một đông hơn. Đến năm 2000, đa phần người dân bản địa ở ngã ba Đông Dương đã biết đọc biết viết.
Thế nhưng, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhận thấy bà con vẫn còn lưu giữ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Mỗi khi có người đau ốm, bà con không đưa đến trạm xá chữa trị mà mời thầy cúng về nhà. Những con trâu, bò to khỏe nhất được dùng làm vật hiến tế vì người dân tin rằng điều này sẽ xua đuổi được tà ma, bệnh tật, giúp dân làng khỏe mạnh.
“Đối với những hộ khá giả, việc mổ trâu, bò để cúng tế không phải vấn đề lớn. Nhưng nhiều hộ khó khăn, cái ăn còn chưa đủ phải đi vay mượn khắp nơi chuẩn bị đồ cúng thì rất vất vả. Không muốn bà con mãi đói nghèo vì hủ tục, đơn vị thường xuyên đến từng làng, từng nóc nhà tuyên truyền, vận động”, Thượng tá Hoàng Xuân Hân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y chia sẻ.
Để bà con tin tưởng lời tuyên truyền, đồn biên phòng cử cán bộ quân y đến chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Những trường hợp bị bệnh nặng, người dân được động viên, thuyết phục đến trạm y tế xã hoặc vào bệnh viện chữa trị.
Khi thấy những người được chữa trị khỏi bệnh trở lại làm việc mọi người dần tin tưởng. Khi dân làng tin vào bộ đội cũng là lúc “con ma rừng” không còn tồn tại, những cây nêu cũng chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội truyền thống.
“Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y giúp người dân biết chữ, xóa bỏ hủ tục để chú tâm vào làm ăn, phát triển kinh tế. Ngày nay, cuộc sống của bà con đã ổn định, ngày càng tiến bộ là nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của đồn biên phòng và chính quyền địa phương”, bà Y Pan, già làng Đăk Mế (xã Pờ Y) nói.
Trước đây, người dân trên địa bàn xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum) còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Cuộc sống của bà con gắn liền với rừng núi, thế nên mỗi khi bị ong đốt hay rắn cắn tử vong thì sẽ xem là những cái chết xấu.
Người dân nơi đây quan niệm, những người gặp nạn bên ngoài bị con ma rừng hãm hại nên không thể đưa về làng để tổ chức mai táng. Nếu không cái xấu, cái xui xẻo sẽ theo về làng khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều tai ương.
Thiếu tá Bloong Buông, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Rờ Kơi cho biết, nhiều năm trước có 1 trường hợp bị tai nạn giao thông tử vong. Khi người thân đưa về nhà mai táng thì dân làng một mực phản đối vì sợ những điều không may mắn quẩn quanh. Nắm được thông tin, Đồn Biên phòng Rờ Kơi cử cán bộ, chiến sĩ xuống làng vận động bà con để người đã mất được tổ chức ma chay trong làng.
Ban đầu, người dân phản ứng khá gay gắt. Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động già làng và người dân cũng đồng ý để gia đình tổ chức mai táng. Kể từ đây, Rờ Kơi cũng được lựa chọn là làng điểm để thực hiện phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, các cán bộ, chiến sĩ của đồn đã thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, gồm bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Với sự đồng hành, hỗ trợ của đồn biên phòng, người dân dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất nên đời sống dần đổi thay.
Anh A Hợp (thôn Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) từng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. Năm 2012, hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về quê nhà rồi lập gia đình.
Hoàn cảnh 2 gia đình đều khó khăn nên vợ chồng lấy nhau, gây dựng cuộc sống mới chỉ với 2 bàn tay trắng. Vợ chồng anh A Hợp làm thuê đủ nghề. Sau nhiều năm cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình anh cũng mua được 1ha đất để trồng mì.
Nhận thấy 2 vợ chồng chịu khó làm ăn, năm 2023, Đồn Biên phòng Rờ Kơi hỗ trợ gia đình đôi lợn giống để phát triển kinh tế. Người con đầu đang học lớp 4 của A Hợp cũng được đồn biên phòng hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để tiếp thêm động lực đến trường.
“Gia đình mình rất vui và gửi lời cảm ơn đến đồn biên phòng đã quan tâm, hỗ trợ. Có đôi lợn mình kiếm ít cây bời lời về dựng chuồng, mua thêm con lợn nái tăng đàn. Hy vọng đàn lợn khỏe mạnh, số lượng tăng lên để gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học”, anh Hợp tâm sự.
Gia đình anh A Tuấn (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cũng là một trong những hộ khó khăn, bởi thu nhập chính chỉ dựa vào vài sào mì. Năm 2019, vợ chồng A Tuấn được Đồn Biên phòng Dục Nông và Hội Phụ nữ xã Đăk Nông hỗ trợ 6 triệu đồng để phát triển sinh kế.
Được sự định hướng, vợ chồng anh mua 1 cặp lợn bản địa về nuôi. 2 năm sau, nhận thấy hiệu quả nên anh đầu tư thêm để gia tăng đàn. Nhờ chăm chỉ và áp dụng đúng kĩ thuật, mỗi năm đàn lợn tăng thêm 30 con. Giá cả ổn định nên 2 vợ chồng tiết kiệm được ít tiền để sửa sang lại mái nhà ấm cúng, đủ đầy hơn.
“Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng không chỉ hỗ trợ gia đình giống, mà còn cử người xuống thăm khám mỗi khi lợn bệnh. Mình rất biết ơn và sẽ cố gắng nhân rộng đàn lợn và giúp đỡ bà con trong làng phát triển kinh tế”, anh A Tuấn nói.
Ông Rơ Châm Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi cho biết, với sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đồn biên phòng góp phần to lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Năm 2023, tổng số hộ nghèo giảm còn 368 hộ, chiếm 25,5%, hộ cận nghèo giảm còn 202 hộ chiếm 13,9%. Còn thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Huệ, với sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Rờ Kơi đời sống, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, những hủ tục lạc hậu ở địa phương cũng từng bước được xóa bỏ.
Qua đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xã hội luôn được hưởng ứng tích cực. Bà con cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, sản xuất nên đời sống dần đổi thay theo hướng tích cực.
Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum thông tin, những năm qua đơn vị đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn 13 xã biên giới đồng hành, cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, mô hình… giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh đã hỗ trợ hơn 12.300 ngày công giúp dân lao động sản xuất. Bên cạnh đó, phối hợp làm và sửa chữa gần 140 km đường thôn và hơn 61 km kênh mương thủy lợi và giúp dân chăm sóc, thu hoạch 108ha hoa màu.
Theo Đại tá Lê Minh Chính hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hướng về nhân dân biên giới, như: Giúp gần 3.500 ngày công, trao 15 mô hình sinh kế, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng quà cho hộ gia đình khó khăn, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 3.500 lượt người... tổng trị giá trên 3,5 tỷ đồng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn trực tiếp vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 146 căn nhà và 13 công trình nước sinh hoạt với tổng trị giá gần 11 tỷ đồng.
Với những hoạt động thiết thực, bộ đội biên phòng tỉnh đã “3 cùng, 4 bám” với bà con nơi biên giới trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong xây dựng 7/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Dung Nguyễn
Ý kiến bạn đọc