Dạy – học “mùa” Corona: Gợi mở mới cho giáo dục thời 4.0

Thứ hai - 17/02/2020 23:55 569 0
GD&TĐ - Nhiều nhà quản lý giáo dục cho biết, chính nhờ giai đoạn này, ngành Giáo dục nên nhìn nhận lại về phương pháp dạy học trực tuyến, dạy...
Dạy – học “mùa” Corona: Gợi mở mới cho giáo dục thời 4.0

Tăng tính chủ động của cả giáo viên và học sinh

Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc nghỉ không đến trường vì lo ngại dịch bệnh do virus Corona, theo các chuyên gia giáo dục, là cơ hội để khuyến khích, rèn cho học sinh kỹ năng tự học, ứng phó trong hoàn cảnh đặc biệt.

Cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình giáo dục phổ thông cơ sở Ba Tháng Hai và Hoàng Văn Thụ của hệ thống Trường quốc tế Việt Úc (VAS), cho hay trong thời gian này, nhiều học sinh hào hứng truy cập vào các nhóm, lớp học trực tuyến để gặp gỡ, trao đổi và nhận hướng dẫn, bài tập của giáo viên. Các em thể hiện tính chủ động, tự giác làm bài và trao đổi với nhau với sự hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ thông tin.

 Chúng ta có thể tận dụng những thành quả từ các cuộc thi giáo viên sáng tạo, thiết kế bài giảng trực tuyến đa dạng, phong phú để đưa vào ngân hàng bài giảng. Đặc biệt vào thời gian tới, khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì đây là thời điểm vàng để chúng ta thực hiện việc làm này.  
Cô Nguyễn Thị Liễu

Cô Nguyễn Thị Liễu còn cho rằng, tình huống “đặng chẳng đừng” này giúp thúc đẩy việc thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể thực hiện nhiều hình thức, nhiều phương pháp truyền đạt kiến thức thay cho các cách truyền thống.

Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc TPHCM nhìn nhận, học sinh nói chung còn thụ động, chưa có ý thức tự học tại nhà, vì vậy đây chính là cơ hội để nhà trường, giáo viên thay đổi phương pháp, có những hướng dẫn để học sinh học một cách phù hợp.

Trong thời điểm này có những nhà trường, giáo viên và học sinh không tránh khỏi những lúng túng khi triển khai các hình thức tổ chức học mới, ứng dụng công nghệ thông tin và tự tìm hiểu kiến thức tại nhà. Như vậy, đây sẽ là dịp để nhìn nhận lại cách tổ chức, hướng dẫn kỹ năng để học sinh phát huy năng lực trong các điều kiện học tập khác nhau.

Cô Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh giáo dục tại Phần Lan cho biết, hiện nay công nghệ phát triển rất cao, có nhiều ứng dụng cho việc học tại nhà nên đây cũng là điều kiện tốt để chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động. Đây cũng là cơ hội để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống, học trò là trung tâm thay cho thầy cô là trung tâm như trước đây.

Như ở Phần Lan, giáo viên đang thực hiện phương pháp có tên gọi “flipped classroom” (lớp học đảo ngược): Giáo viên cung cấp tài liệu học trực tuyến bằng cách quay một số video về chủ đề bài học; học sinh sẽ xem video bài giảng, đọc thêm các tài liệu giáo viên đưa cho, sau đó cùng trực tuyến với giáo viên; giáo viên sẽ giải đáp thắc mắc và giúp học sinh tìm ra đáp án cho các bài toán khó mà học sinh chưa tìm ra phương pháp.

Dạy – học “mùa” Corona: Gợi mở mới cho giáo dục thời 4.0 - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa

Xu hướng giáo dục của thế giới

Cô Nguyễn Trang - giáo viên một trường THPT ở quận Thủ Đức (TPHCM) cho biết, hình thức học và kiểm tra trực tuyến nếu được áp dụng thường xuyên thực sự tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc soạn bài giảng, soạn đề và chấm điểm bài làm cho giáo viên. Học sinh cũng hứng thú vì kết quả làm bài sẽ hiển thị ngay sau khi trả lời tất cả câu hỏi. Thực tế, hình thức thi và kiểm tra trực tuyến đã được nhiều trường phổ thông tại TPHCM áp dụng như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3)...

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, trong thời đại thế giới công nghệ phát triển, thay đổi từng giờ thì giáo dục cũng phải thay đổi từ hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận kiến thức đối với học sinh. Từ ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên dễ dàng kết nối với học sinh, đưa ra các gợi ý, hướng dẫn học tập và học sinh có thể trả lời ngay, thể hiện năng lực ngay tức thì và có điều kiện mở rộng tư duy hơn việc tham gia một lớp học tập trung.

 Nếu áp dụng đúng, tài liệu học tập thú vị, phương pháp học trực tuyến này sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, làm chủ việc học, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ. Ngoài ra, học sinh có cơ hội phát triển tư duy phản biện (critical thinking), tư duy phản chiếu (reflective thinking), và kỹ năng giải quyết vấn đề.   
Cô Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh giáo dục tại Phần Lan

Theo thầy Nguyễn Kim Hồng – nguyện Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM, hiện nay, nhiều trường phổ thông đã cho học sinh học online. Một số trang web khác thì cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 học online miễn phí. Học online đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hình thức này giúp việc dạy và học được thực hiện mọi lúc mọi nơi, giảm mọi chi phí về thời gian, tiền bạc và nguồn lực con người.

Rõ ràng, ở Việt Nam hình thức này càng cần phải sớm triển khai, thúc đẩy sử dụng thông tin truyền thông, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phải là một công cụ hữu ích trong tương lai gần. Điều này chỉ có được không chỉ dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ mà còn là sự tham gia tích cực của thầy cô giáo.

Theo TS. Dương Thăng Long (Trường ĐH Mở Hà Nội), để triển khai học online (còn gọi là E-learning, học trực tuyến) hiệu quả, cần bảo đảm các yếu tố: Phương pháp giảng dạy và hệ thống công nghệ.

Nội dung giảng dạy của giảng viên hay giáo viên khi đưa lên giảng dạy trực tuyến, có nhiều cấp độ khác nhau, nếu chỉ đơn thuần đưa những bài giảng dạy trực tiếp hàng ngày thì không có ý nghĩa, chưa có chất lượng. Do đó, đối với phổ thông, giáo viên phải xây được các học liệu điện tử để đưa vào dạy trực tuyến. Trong đó, tích hợp được các tương tác giữa người dạy và người học.

Vì không chỉ giảng dạy một chiều, giáo viên phải nắm được học sinh làm được gì thông qua case stady trong hệ thống, thiết kế các tình huống học tập, các tương tác. Để người học được tương tác về học liệu đó, tạo hứng thú. Quan trọng hơn là nhà trường dựa vào phản ứng của người học đo đếm được ngoài tiến độ học tập còn chất lượng học tập như thế nào

Đây là yếu tố mất nhiều công sức nhất. Đòi hỏi những giáo viên, giảng viên tham gia phải có năng lực, được tập huấn. Nếu chỉ có chuyên môn mà đòi hỏi giáo viên xây dựng được học liệu như thế thì rõ ràng khó đạt được chất lượng.

Tiếp đó là yêu cầu về hệ thống công nghệ, có hệ thống sever, máy chủ đủ mạnh, bảo đảm không bị nghẽn, tắc khi có một số lượng lớn người truy cập cùng một lúc. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ phải đủ mạnh để cho phép giảng viên, giáo viên tương tác trực tiếp được với sinh viên, học sinh bằng video.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, nhà trường đang áp dụng hệ thống học trực tuyến có tên là LMS. Thông qua hệ thống này, giảng viên cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập, câu hỏi để sinh viên tự ôn luyện. Việc kiểm tra, đánh giá quá trình học tập cũng được thực hiện online và hình thức này hoàn toàn được công nhận như học trên lớp bình thường.

“Hình thức học trực tuyến được đưa vào sử dụng trong mùa dịch bệnh và đã nhận được những phản hồi rất tích cực, khích lệ và ủng hộ từ phụ huynh cũng như học sinh. Sự nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian di chuyển đưa đón, đặc biệt giải quyết được mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe của con, mà hiệu quả học tập vẫn không thay đổi là điểm cộng lớn nhất cho lớp học trực tuyến. Nếu để ý, hình thức giáo dục trực tuyến đã được các nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia… áp dụng và đưa vào giảng dạy trong thời gian dài. Vì vậy, họ có thể giúp học sinh các nước khác dễ dàng tham gia khóa học, kết hợp vừa học, vừa làm hoặc học cùng lúc nhiều môn khác nhau”.
                                                Thạc sĩ Chung Phạm Ngọc Hiền - 
                     Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục Yola chia sẻ.

An Chi

Tác giả bài viết: An Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1389 | lượt tải:302

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1124 | lượt tải:287

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2408 | lượt tải:380

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2911 | lượt tải:477

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2230 | lượt tải:324
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập544
  • Hôm nay8,349
  • Tháng hiện tại11,964
  • Tổng lượt truy cập50,560,340
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944