Giáo viên xoay xở với học online giữa mùa dịch COVID-19

Thứ hai - 17/02/2020 23:54 543 0
GD&TĐ - Phần lớn giáo viên Việt Nam không có trải nghiệm với phương pháp học online nên khi phải đối mặt với 2 tuần giao bài, giảng bài, học bài cùng học...
Giáo viên xoay xở với học online giữa mùa dịch COVID-19

Livestream, quay YouTube giảng bài

Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên vật lý Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) viết lên nhóm Facebook lớp 10A2: “Chúng ta học online vậy. 8 giờ tối nay thầy post bài kiểm tra phần này, thời gian làm bài là một tiếng. Học online nhưng kiểm tra thật nhé cả lớp”.

Kèm theo lời nhắn là bài giảng về động lượng và định luật bảo toàn động lượng trên YouTube thì thầy Tùng còn cho biết, hoàn thành xong đề kiểm tra cho lớp 10, thầy Tùng làm đề cho lớp 11 để kịp cho các em học buổi tối. Một số lớp cần giảng thêm lý thuyết, thầy sẽ quay video rồi đưa lên YouTube..

Theo thầy Phạm Thư Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng có tính tương tác, học sinh dễ dàng trao đổi với nhau. Do đó, việc đặt câu hỏi cũng phải khác trên lớp để kích thích các em xem lại bài cũ. Trước đây thầy và trò cũng thường trao đổi trên Facebook nên mọi việc không mấy lạ lẫm. Học sinh làm bài xong, giáo viên sẽ livestream trên mạng xã hội để sửa bài.

Để giúp học sinh có thể tự học ở nhà một cách dễ dàng trong khoảng thời gian nghỉ học do virus Corona, 2 giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) là cô Nguyễn Thị Hiền và thầy Võ Kim Bảo đã thực hiện đoạn video dài khoảng 20 phút hướng dẫn những kỹ năng và kiến thức của môn học này.

Thầy Võ Kim Bảo cho biết trong đoạn video này, giáo viên sẽ lần lượt hướng dẫn học sinh tự học chương trình Ngữ văn lớp 9 của tuần 22, hướng dẫn ôn tập chuẩn bị cho kiểm tra một tiết. Đây là hình thức giúp các em có sự chuẩn bị trước về kiến thức, sau đó, khi trở lại trường học thầy cô sẽ dành thời gian hướng dẫn lại để các em nắm chắc nội dung đã học.

Theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du, không chỉ có môn Ngữ văn, Ban giám hiệu còn yêu cầu giáo viên các tổ bộ môn lần lượt thực hiện các bài giảng, các nội dung hướng dẫn học sinh tự học tại nhà với nhiều định dạng khác nhau, chẳng hạn quay các video hoặc thực hiện các bài trình chiếu PowerPoint… Những bài giảng này sẽ được nhà trường đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường THCS Nguyễn Du, tạo điều kiện cho học sinh tự học tại nhà một cách thuận tiện nhất trong thời gian nghỉ học để phòng tránh việc lây nhiễm virus Corona.

Thầy Nguyễn Thanh Phong, giáo viên môn Hóa học Trường THPT Marie Curie (quận 3) lập một nhóm chat trên Facebook, trong đó thành viên là nhóm trưởng của các lớp. Thầy sẽ giao bài tập cho các trưởng nhóm, sau đó nhóm trưởng phổ biến lại cho các thành viên trong lớp, thường là các dạng bài tập teamwork trình bày bằng PowerPoint, brochure và báo cáo tiến trình làm bài hàng ngày lại cho thầy.

Thầy Trần Minh, giáo viên Trường THCS – THPT Đào Duy Anh (quận 6) cho biết, trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, các thầy cô của của trường vẫn duy trì giao bài tập cho học sinh qua group lớp, đăng bài giảng trên Facebook cá nhân, giảng bài online bằng hình thức livestream... 

Giáo viên xoay xở với học online giữa mùa dịch COVID-19 - Ảnh minh hoạ 2
Bản hướng dẫn chi tiết học sinh về cách học online được nhiều cơ sở GD áp dụng. 

Sở - trường cùng vào cuộc

Không chỉ có các giáo viên tự tìm phương pháp dạy trực tuyến, nhiều sở giáo dục và nhà trường đã đồng hành cùng các thầy cô.

Sở GD&ĐT TPHCM khuyến khích các trường đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học.

Cụ thể, Sở yêu cầu xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, bảo đảm mọi học sinh đều được tham gia học tập, có phương án hỗ trợ, giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản khi nhập học trở lại sau thời gian nghỉ hoặc cách ly.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus Corona, các trường hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung học sinh, có nguy cơ lây nhiễm. Việc thực hiện ứng dụng CNTT cần được xây dựng khoa học, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định, vì lợi ích của người học. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức của hoạt động dạy học có ứng dụng CNTT. Và tất cả các nội dung học tập, điều chỉnh phải đăng tải trên trang thông tin chính thức của trường.

Sở GD&ĐT Ninh Thuận đã có văn bản khuyến khích học sinh học trực truyến miễn phí trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Sở đề nghị Phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở khuyến khích, hướng dẫn học sinh vào đăng ký học trực tuyến miễn phí trên hệ thống ViettelStudy trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh.

Giáo viên có thể tự đưa các nội dung bài học, bài kiểm tra (dưới dạng video bài giảng, tài liệu, slide bài giảng, câu hỏi ôn tập, bài tập...) lên hệ thống, xem các báo cáo về quá trình và kết quả học tập của học sinh. Học sinh có thể ôn tập, xem kết quả bài kiểm tra, xem phần kiến thức còn hổng, trao đổi với giáo viên và các bạn ngay sau khi làm bài.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã ban hành công văn về việc hướng dẫn tổ chức cho học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Đối với học sinh cuối cấp (lớp 9, 12): Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng nội dung dạy học theo hướng tóm tắt lý thuyết, bài tập áp dụng, các câu hỏi kiểm tra đánh giá cho từng chủ đề, chuyên đề cụ thể theo kế hoạch ôn thi THPT quốc gia, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các đơn vị.

Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, ngoài hệ thống bài tập được các giáo viên bộ môn gửi cho học sinh làm trong thời gian không đến trường, nhà trường đang khẩn trương hoàn thiện một số chuyên đề của các môn học dưới dạng video, clip để tải lên website của trường làm tài liệu ôn tập cho học sinh. Hình thức này đã được một số giáo viên tổ chức luyện thi online triển khai rồi nên sẽ không có nhiều lúng túng trong khi triển khai thực hiện.

Đối với học sinh các khối lớp còn lại: Nội dung học tập của là các kiến thức đã được học trước khi nghỉ Tết và thỏa mãn điều kiện: Trọng tâm của chương trình, mức độ không khó, tương đối độc lập với các nội dung khác...

Tổ chức, hướng dẫn dạy học qua các phương tiện công nghệ thông tin như: Thư điện tử, Zalo, Facebook, Messenger, Classroom, Viber, Trang mạng Trường học kết nối… Lãnh đạo nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học qua các phương tiện công nghệ thông tin, trong đó quan tâm việc phân công giáo viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của học sinh cụ thể. Sắp xếp thời khóa biểu dạy học cho từng lớp, từng giáo viên phụ trách.

Giáo viên chủ nhiệm tổ chức lớp học theo từng nhóm học sinh. Giáo viên bộ môn trực và tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, trả lời các câu hỏi của học sinh qua các phương tiện công nghệ thông tin. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn chuyển nội dung học tập cho học sinh thông qua hộp thư điện tử, mạng xã hội. Đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, tài liệu hướng dẫn, nhà trường chỉ đạo các bộ phận có liên quan chuyển trực tiếp nội dung học tập đến từng học sinh.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã làm việc với VNPT, Viettel, FPT về việc cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ học tập tại nhà cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học kéo dài.

Theo đó, VNPT Đà Nẵng sẽ cung cấp miễn phí ứng dụng vnEduTeacher và vnEduConnect (ứng dụng dùng cho điện thoại), hỗ trợ giáo viên giao bài tập cho học sinh từ file ảnh hoặc bài tập file word, nhận bài tập và chấm điểm bài tập cho học sinh qua mạng Internet.

Riêng Viettel Đà Nẵng sẽ cung cấp miễn phí hệ thống Mạng xã hội học tập ViettelStudy. Thông qua hệ thống, giáo viên có thể tổ chức lớp học trực tuyến thông qua hình thức livestream bài giảng, đưa các nội dung bài học, bài kiểm tra dưới dạng video, tài liệu, câu hỏi ôn tập… lên hệ thống, xem kết quả bài tập của học sinh mình...

Nhiều trường và thầy cô cũng tận dụng các nền tảng dạy học trực tuyến như hocmai.vn, 789.vn, Google Classroom, Office 365 để hướng dẫn học sinh ôn tập, hệ thống kiến thức. Một số trường như Trường THCS – THPT Hồng Đức,Trường  THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM)… đưa nội dung ôn tập lên trang web để học sinh có thể ôn tập ở nhà.

Song Minh

Tác giả bài viết: Song Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập797
  • Hôm nay29,154
  • Tháng hiện tại307,284
  • Tổng lượt truy cập51,663,243
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944