Với trường vùng cao không có điều kiện dạy học trực tuyến, thầy cô phụ đạo cho học sinh vào buổi tối.
Tranh thủ buổi tối phụ đạo cho trò
Những ngày thời tiết nắng nóng nhất, cũng là lúc cô trò Trường Tiểu học Châu Phong 1 (xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) tăng tốc dạy học. Học sinh của trường phần lớn là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, việc triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng dịch gặp hạn chế, khi đi học trở lại, nhà trường rà soát, xây dựng lại thời khóa biểu theo nội dung giảm tải với 8 tuần học. Một số môn, trường triển khai dạy học tích hợp. Vì thế, dù chỉ dạy học buổi sáng từ thứ 2 - 7 nhưng vẫn bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng môn học, cấp học cho học sinh.
Theo cô Ái Liên, việc nắm vững kiến thức kỹ năng môn học sẽ là nền tảng để các em lên lớp. Nếu không cố gắng bù đắp kiến thức, trong điều kiện học sinh miền núi không đi học thêm sẽ rất khó khăn khi bước vào năm học mới.
Với những em chậm tiếp thu, không theo kịp bài học, thầy cô trực tiếp phụ đạo, kèm riêng vào buổi tối. "Trường không dạy học vào buổi chiều vì nắng nóng, học sinh ở đây chủ yếu đi bộ đến trường rất vất vả. Cho nên, việc phụ đạo học sinh yếu được thực hiện vào buổi tối, thầy cô đến tận nhà, hoặc phụ huynh chở con đến nhà cô giáo học bài. Có cô nhà ở thị trấn, cách trường hơn 20km, sau buổi học cô chở học sinh về nhà mình để kèm cặp. Khi học sinh đó nắm vững kiến thức đến lượt em khác", cô Trần Thị Ái Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Phong 1 cho biết.
Những ngày qua, nhiệt độ vào buổi trưa tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An luôn ở mức 42 – 43 độ. Để chống nóng cho trò, Trường PT DTBT THCS Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) đã trích quỹ và vận động các nhà hảo tâm mua thêm quạt đặt tại phòng học, phòng bán trú. Là trường có số học sinh bán trú lớn nhất huyện với 298/315 học sinh, để bảo đảm kiến thức cho học sinh cuối cấp, các thầy cô tổ chức phụ đạo buổi tối. Sau ăn tối, thay vì tự học, các em sẽ học tập trung với sự chỉ bảo của thầy cô bộ môn.
Bố trí lịch học hợp lý
Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (huyện Con Cuông, Nghệ An) đang tích cực dạy học và chuẩn bị cho kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, hoàn thành chương trình năm học. Đóng trên địa bàn nắng nóng nhất tỉnh, thầy trò xã vùng sâu, vùng xa càng vất vả khi điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, có tới 5 điểm trường."Chúng tôi tăng cường thêm quạt trong mỗi lớp học, từ giữ tháng 5 đến nay chỉ dạy học buổi sáng. Học sinh vào học sớm hơn và ra về trước 10 giờ 15 phút. Điều may mắn các điểm trường được xây dựng kiên cố, trồng nhiều cây xanh, sỹ số học sinh trên lớp không quá đông. Vì vậy, đến thời điểm này, việc dạy học vẫn ổn định", thầy Nguyễn Duy Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 cho biết.
Trường Mầm non Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An) đã vận động xã hội hóa được 6 quạt, gồm 5 quạt hơi nước và 1 quạt cây với tổng trị giá hơn 17 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng đem quạt của nhà đến lớp cho cô trò mượn học. Hiện, cả 7 điểm trường đều được trang bị quạt, trung bình 2 cái/lớp học. Vấn đề chống nóng không còn nan giải, nhà trường bắt tay vào công cuộc chống… khát, bởi mùa nắng nóng, khe suối khô cạn nên thiếu nước. "Để bơm nước dưới sâu lên phải có máy bơm công suất lớn, hệ thống dây, ống dẫn nước dài, trong khi trường không có kinh phí lắp đặt. Thiếu nước, có hôm không tổ chức nấu ăn bán trú cho các con", cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng chia sẻ.
Trong khi nhiều địa phương của Nghệ An triển khai dạy học 1 buổi, hầu hết các trường học tại huyện Đô Lương vẫn duy trì dạy học 2 buổi/ngày với tiểu học. Theo cô Trần Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Sơn (Đô Lương), mục đích dạy học 2 buổi/ngày để cung cấp đầy đủ kiến thức kỹ năng cho học sinh, đồng thời sớm kết thúc năm học, tránh nắng nóng. Theo đó, buổi sáng, 10 giờ 15 học sinh tan học, ăn bán trú và em ngủ lại trong lớp. Đến 14 giờ 30 phút bắt đầu học buổi chiều.
Mặc dù không có điều kiện lắp điều hòa như trường vùng thuận lợi, thành phố, nhưng mỗi phòng có 4 quạt trần. Các dãy phòng học của trường chủ yếu là nhà cấp 4, phía trên có tán cây che mát. Việc nghỉ trưa tại trường bảo đảm sức khỏe cho học sinh, hạn chế đi lại ngoài đường vào thời gian nắng nóng nhất. - Cô Trần Thị Tuyết