Tin tưởng sự lựa chọn của giáo viên
Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, 162/162 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để sử dụng trong năm học 2020 - 2021.
Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, các trường và GV lựa chọn sách trên tinh thần khách quan, nghiêm túc. Các trường đã báo cáo phòng để tổng hợp, gửi sở GD&ĐT. Phòng GD&ĐT hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng kết quả sự lựa chọn trên.
Theo cô Lê Thị Kim Hường, GV lớp 1, Trường TH Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), để chọn được bộ sách tốt cho HS, GV phải nghiên cứu hết 5 bộ sách được Bộ thẩm định. Không chỉ đọc kỹ, mà còn suy ngẫm, dựa vào các tiêu chí xem có phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường như cấu trúc, cách bố trí câu từ, màu sắc, tranh ảnh minh họa…
"Hơn cả là quyền lợi của HS, bộ sách không dừng lại ở việc giúp trò biết những gì mà tiến tới làm được những gì. Chúng ta đang cần có một thị trường SGK lành mạnh, phù hợp với chủ trương khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách, vì mục tiêu có được những bộ SGK tốt nhất cho HS", thầy Bột nêu quan điểm.
Trao đổi về việc chọn SGK lớp 1, nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Quyền lựa chọn, thẩm định sách giờ đây được trao cho nhà trường, GV. Hơn ai hết, chính nhà trường, GV - những người hiểu rõ nhất việc dạy, học sẽ chọn bộ sách phù hợp với HS, địa phương và tiêu chí của cơ sở nơi mình đang giảng dạy.
Là người theo dõi sát sao Chương trình GDPT mới, đặc biệt là việc biên soạn SGK, GS Võ Tòng Xuân (Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho biết, ông rất tâm đắc với việc giao cho các trường, đặc biệt là GV chọn SGK. "Sách hay không chỉ theo chuẩn kiến thức kỹ năng mà còn phù hợp điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng miền để GV các trường tham khảo và chọn cho HS sử dụng…", GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Nhiều công việc phía sau quyển sách
Theo quy định, tất cả GV dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới. Theo đó, có 4 modul: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 (modul 1); Phương pháp dạy học và giáo dục (modul 2); Kiểm tra đánh giá HS (modul 3); Xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục (modul 4). Có 3 loại hình bồi dưỡng là: Tập trung (trực tiếp), từ xa (trực tuyến) và bán tập trung (kết hợp trực tiếp và trực tuyến).
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ dự kiến tổ chức tập huấn Chương trình GDPT mới lớp 1 từ ngày 23/7. Thành phần tham gia tập huấn là cán bộ quản lý phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường tiểu học và tất cả GV dạy lớp 1. Sở chọn hình thức tập huấn tập trung để tăng tính tương tác và đạt hiệu quả.
Theo Sở GDT&ĐT tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 7 tới, GV dạy lớp 1 của 301 trường tiểu học trong tỉnh được tập huấn với sự hướng dẫn của đại diện các nhà xuất bản. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, cán bộ quản lý, thầy cô cần trao đổi mạnh dạn, thẳng thắn, đầy trách nhiệm để hiểu rõ tường tận, thông suốt những vấn đề liên quan nhằm chiếm lĩnh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất Chương trình GDPT 2018. Lãnh đạo các đơn vị cần tạo điều kiện tốt nhất để thầy cô được tham gia tập huấn, tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ việc tiếp cận, thực hiện chương trình một cách đầy đủ và hiệu quả.
Theo thầy Từ Minh Lập, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), do tình hình dịch bệnh nên việc tập huấn cho GV bị động. Thay vì tháng 4 hoàn thành việc tập huấn thì nay đến tháng 6 vẫn đang triển khai. GV phải vừa dạy học, vừa tham gia tập huấn trực tuyến để bảo đảm thời gian theo quy định. Kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật, thầy cô cũng tranh thủ tham gia tập huấn trực tuyến một số môn. Tất cả đều nỗ lực, tranh thủ thời gian để kịp dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Theo GS Võ Tòng Xuân, SGK của tác giả nào viết hay nhất (đúng theo Bộ chuẩn kiến thức, phương pháp dễ dạy và học sinh dễ tiếp thu) sẽ được GV chọn, giới thiệu để HS mua sử dụng. Làm như vậy chương trình không nặng, lại phát huy trí sáng tạo, thông minh của thầy và trò. Quan trọng là ngân sách Nhà nước sẽ không lãng phí chi cho các đợt thay SGK. Bộ GD&ĐT chỉ cần quản lý chất lượng giáo dục qua Bộ chuẩn kiến thức môn học.