Nhiều em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn hoặc theo gia đình rời xa quê hương… khiến nhà trường, thầy cô canh cánh nỗi lo trong việc duy trì sĩ số lớp học, tương lai của trò.
Khó khăn nhân đôi do dịch bệnh
Sau thời gian nghỉ dịch dài ngày, nhiều học sinh tại trường học ở Cà Mau nghỉ học, bỏ học. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, khi học sinh đi học trở lại, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh THPT bỏ học do gia đình hoàn cảnh khó khăn, theo bố mẹ đi làm ăn.
Trong đó, vắng nhiều nhất là học sinh khối lớp 10 và 12. Theo nhiều giáo viên, do lứa tuổi này các em có thể phụ giúp gia đình nên bỏ học mưu sinh. Nhiều trường hợp nhà trường, địa phương đến vận động thì không liên lạc được… Chỉ tính riêng huyện U Minh
(Cà Mau), sau dịch Covid-19, có 104 học sinh tiểu học nghỉ học; THCS nghỉ 157 em. Theo Phòng GD&ĐT huyện, đa số các em nghỉ học theo cha mẹ đi làm ăn xa. Nhiều trường hợp theo cha mẹ đi làm công nhân ở Bình Dương, TPHCM… Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho hay: Học sinh bỏ học sau dịch Covid-19 diễn ra ở nhiều địa phương. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình cho con nghỉ học. Nhà trường, ngành GD thực hiện nhiều giải pháp kéo trẻ lại trường bởi bỏ học giữa chừng ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này…
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có hai đợt cao điểm học sinh bỏ học: Thời điểm tựu trường và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tình trạng học sinh bỏ học thường rơi vào các địa phương vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, tập trung cuối cấp THCS và đầu cấp THPT. Có em phải bỏ học theo gia đình đi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp… hoặc ở nhà phụ giúp gia đình.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), trước đây, học sinh bỏ học sau Tết là vấn đề nan giải, nỗi lo của ngành Giáo dục địa phương. Ở đây, người dân có câu cửa miệng "đi Bình Dương" - có nghĩa là cả nhà cùng bỏ quê đi Bình Dương làm công nhân. Điều này đồng nghĩa với việc con cái của họ phải theo cha mẹ và bỏ học giữa chừng. Biết được điều này, ngành GD tổ chức vận động từ trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, số em ở lại học rất ít, còn lại đành bỏ học giữa chừng.
Kiên trì vận động, hỗ trợ
"Hậu Covid-19", các địa phương đang tập trung dạy, học vừa giúp đỡ học sinh. Đồng hành cùng ngành Giáo dục, các tổ chức xã hội cũng hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường.
Theo chị Tô Thị Duy Linh, Trưởng ban Thiếu nhi trường học, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Kiên Giang, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ tránh dịch. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà gồm gạo, tiền mặt để yên tâm học tập.
Ngành Giáo dục, địa phương cũng đến từng gia đình thăm hỏi, động viên các em cố gắng ôn tập tại nhà và trở lại trường. Vận động, tuyên truyền các em giữ vệ sinh cá nhân, khu vực sinh sống, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Theo Tỉnh đoàn Kiên Giang, thời gian tới, sẽ phối hợp triển khai thực hiện Quỹ "Mái ấm Thế giới di động" trên địa bàn. Theo đó, Quỹ "Mái ấm Thế giới di động" hỗ trợ học bổng không hoàn lại cho học sinh các cấp học và học sinh, sinh viên các trường dạy nghề hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguy cơ bỏ học cao trên địa bàn tỉnh với các mức hỗ trợ khác nhau đến khi các em ra trường.
Không chỉ quan tâm, giúp đỡ, nhiều trường học còn hỗ trợ kịp thời cho học sinh lúc khó khăn. Trường THPT Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) phát động Chương trình "Đồng hành cùng em trở lại trường sau dịch Covid-19". Theo anh Trần Thanh Toàn, Bí thư Đoàn Trường THPT Giồng Riềng, trường có hơn 1.400 học sinh, trong đó trên 30 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và khoảng 50 học sinh hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Nhiều em có cha mẹ là nông dân vừa bị ảnh hưởng bởi dịch
Covid-19 vừa chịu tác động của hạn, xâm nhập mặn. Một số em cha mẹ làm công nhân phải chịu cảnh thất nghiệp do dịch bệnh. Đây là những học sinh có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng sau kỳ nghỉ tránh dịch. Thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng em trở lại trường sau dịch Covid-19" do trường phát động, Đoàn trường tích cực phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp nắm danh sách học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn. Vận động các nguồn hỗ trợ giúp các em yên tâm trở lại trường học sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Đến nay, Trường THPT Giồng Riềng đã hỗ trợ gần 90 phần quà cho học sinh, mỗi phần quà gồm 10kg gạo, 1 thùng mì và 300.000 - 500.000 đồng tiền mặt tùy hoàn cảnh học sinh. Riêng 10 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ nhận mỗi suất quà trị giá 1.200.000 đồng (10 kg gạo, 1 thùng mì và 1 triệu đồng tiền mặt). Còn có 5 học sinh được hỗ trợ thêm áo dài cho năm học tới...
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, nguyên nhân học sinh bỏ học sau Tết là do “làn sóng di dân”. Mỗi năm, sau Tết Nguyên đán, “dòng chảy” lao động từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đổ về các khu công nghiệp ở Bình Dương, TPHCM gia tăng. Kéo theo đó là số học sinh bỏ học cũng tăng cao. Năm nay, cộng thêm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là dịch Covid-19 nên đời sống người dân càng thêm khó khăn.