Đây cũng là phần việc khiến nhiều giáo viên lo lắng bởi sẽ gặp khó khăn để triển khai thực sự hiệu quả.
Quan trọng nhất là tâm người thầy
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – cho rằng: Đánh giá bằng nhận xét không khó, nhưng thực sự cần cái tâm của người thầy. "Tâm" ở đây chính là sự quan tâm chú ý của thầy cô đến học trò, để nhận ra được sự tiến bộ, cố gắng, những hành vi tích cực - dù là nhỏ - để đưa ra nhận xét.
Để đưa ra nhận xét có hiệu quả, theo PGS Trần Thành Nam, cũng phụ thuộc vào cách thức đưa ra nhận xét. Nhận xét sẽ thúc đẩy hành vi tích cực học tập của học trò nếu được thực hiện ngay sau khi diễn ra. Vì vậy, cần chuyển sang đánh giá quá trình, đa dạng hóa nhận xét bằng lời nói trước lớp và chữ viết ngay sau buổi học. Việc nhận xét phải cụ thể, không thể sử dụng những nhận xét quá ngắn gọn, lặp đi lặp lại như: "Ngoan, tốt, giỏi, đạt hay có cố gắng…". Bởi, việc lặp đi lặp lại câu từ khiến động lực của việc nhận xét cùn mòn dần.
Hơn nữa, nhận xét như vậy không làm cho đứa trẻ được nhận xét và các bạn xung quanh biết thực sự điều thầy cô nhận thấy con tiến bộ, được tuyên dương là gì. "Những lời nhận xét cụ thể được khuyến cáo phải mang tính định hướng hành vi trong tương lai. Ví dụ: Cô rất tự hào vì hôm nay con làm theo chỉ dẫn khi cô yêu cầu. Cô rất vui khi thấy con chia sẻ đồ dùng học tập với bạn. Cô khen ngợi bạn A đã cố gắng hoàn thành bài tập trong thời gian quy định… Bên cạnh đó, giáo viên đưa ra lời nhận xét phải chân thành, duy trì giao tiếp mắt và có thêm cả hành động như xoa đầu hay vỗ vai học sinh để biến lời nhận xét thành những góp ý mang tính xây dựng, tạo động lực thay đổi hành vi" – PGS Trần Thành Nam cho hay.
PGS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, chuyển từ định hướng dạy học tiếp cận nội dung (dạy học tiếp cận trang bị kiến thức sang định hướng dạy học phát triển năng lực), việc kiểm tra, đánh giá cũng cần thay đổi cho phù hợp. Theo đó, đánh giá có hiệu quả nhất là tập trung vào quá trình, theo chuẩn đầu ra; đánh giá được năng lực thực của học sinh. Phải đánh giá được cả quá trình học sinh vận dụng kiến thức đã học, cùng thái độ các em được hình thành thông qua môn học đó và được chuyển hóa thành hành vi, kỹ năng trong quá trình học tập để giải quyết tình huống trong cuộc sống.
Giảm thiểu áp lực không cần thiết
"Giáo viên hiện nay có quá nhiều việc phải làm" – đưa nhận định này để chia sẻ với những khó khăn ban đầu của giáo viên khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét, TS Lê Thái Hưng – Chủ nhiệm khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội – cho rằng: Có 2 nhóm giải pháp cơ bản để có thể giảm thiểu áp lực không cần thiết cho giáo viên.
Đầu tiên, giáo viên cần được trang bị thêm kĩ năng sử dụng kĩ thuật đánh giá trong lớp học. Bản chất chính của việc đánh giá là tạo ra hoạt động học tập cho học sinh. Thông qua hoạt động trên lớp, học sinh sẽ được tiếp nhận các nhận xét, cũng như đồng thời "tự" đánh giá mình, đánh giá bạn theo những thông tin mà giáo viên và cả lớp đã thống nhất. Bên cạnh đó, các bài kiểm tra định kì đã được giảm bớt, giáo viên cần có những nhận xét cụ thể vào bài làm của người học, thực hiện tiết trả bài hiệu quả thông qua việc chỉ ra những điểm cần cải thiện chung của học sinh. Cách làm này, theo TS Lê Thái Hưng, vừa bảo đảm sự tôn trọng với mỗi học sinh, nhưng đồng thời thực hiện đầy đủ chức năng cung cấp thông tin phản hồi để người học cải thiện hoạt động học tập.
Với những địa bàn có điều kiện, quan điểm của TS Lê Thái Hưng là tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đánh giá hướng tới học tập cá nhân hoá. Thời gian dịch bệnh Covid vừa qua, vai trò của CNTT trong dạy học và kiểm tra đánh giá được nhấn mạnh. Bên cạnh những ứng dụng đơn giản, chúng ta cần đầu tư để phát triển hệ thống đánh giá thích ứng (CAT) các năng lực cần hình thành cho học sinh; giúp người học có thể tự tham gia, đánh giá năng lực của mình theo từng giai đoạn học tập và nhận được phản hồi tương ứng tại bất kì thời điểm nào. Kết quả sẽ được cung cấp tới giáo viên để có những cách thức tác động phù hợp với từng đối tượng học sinh.
"Cách thức đánh giá này được nhóm nghiên cứu của khoa Quản trị chất lượng, Trường ĐH Giáo dục thực hiện thành công bước đầu với sản phẩm là hệ thống trắc nghiệm thích ứng UEd CAT 1.0 (http://cat.education.vnu.edu.vn/). Trong thời gian tới, hệ thống này tiếp tục được đầu tư, hứa hẹn là giải pháp hữu hiệu để thực hiện triết lí đánh giá vì sự phát triển người học, cá nhân hoá hoạt động học tập…" – TS Lê Thái Hưng thông tin.