Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Đặng Quang Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Trước đây, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình khung các trình độ của giáo dục đại học.
Trước năm 2012, Bộ đã phê duyệt một loạt chương trình đào tạo, trong đó có chương trình kế toán, khối ngành sư phạm, sức khỏe….
Sau khi Luật Giáo dục đại học 2012 có hiệu lực, các trường đại học được giao quyền tự chủ, thì chương trình đào tạo của các trường sẽ do hiệu trưởng ban hành.
Do vậy, nếu các trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất tốt thì Chuẩn chương trình đào tạo và Chuẩn đầu ra sẽ tốt, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ngược lại, những cơ sở giáo dục đại còn hạn chế thì Chuẩn chương trình đào tạo và Chuẩn đầu ra sẽ hạn chế. Tức là chuẩn đầu ra của các trường đại học rất khác nhau.
"Chẳng hạn: Đối với ngành kế toán, có rất nhiều trường đào tạo ngành này nhưng chuẩn đầu ra của các trường cũng rất khác nhau. Đây cũng là điểm yếu của chúng ta" - PGS.TS Đặng Quang Việt viện dẫn.
Trên tinh thần phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật số 34, PGS.TS Đặng Quang Việt trao đổi: Bộ GD&ĐT có trách nhiệm Ban hành Chuẩn tối thiểu về chương trình các trình độ của giáo dục đại học.
Đối với Chuẩn chương trình đào tạo, PGS.TS Đặng Quang Việt cho biết: Vụ Giáo dục đại học đang tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn chương trình các trình độ của giáo dục đại học gồm: đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Dự kiến tháng 9/2020 sẽ ban hành.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất xây dựng Chuẩn chương trình ngành kế toán đối với trình độ của giáo dục đại học. Căn cứ Chuẩn tối thiểu về chương trình, các cơ sở giáo dục đại học có thể căn cứ để đưa ra tiêu chuẩn phù hợp với thực tế đào tạo của nhà trường.