PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Nhà trường tuyển sinh 30 sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Tổ hợp xét tuyển ngành này là A00, A01, A02 và A19.
Về cơ hội việc làm, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ: Ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, trong đó có chuyên ngành năng lượng hạt nhân là một trong những định hướng xa của Chính phủ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trên hai lĩnh vực là: Năng lượng hạt nhân và Công nghệ vũ trụ.
"Công nghệ kỹ thuật hạt nhân "kén người" và rất khó, đòi hỏi các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên cơ hội việc làm lại rất lớn nếu bạn có năng lực" - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.
TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết:
Ngoài Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một số trường cũng đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân như: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM)...
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân cần rất nhiều kiến thức liên quan đến Toán, Vật lý. Vì thế những bạn nào yêu thích 2 môn này hoàn toàn có thể đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
Trao đổi về cơ hội việc làm, TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Hiện nay, ngoài các lĩnh vực công việc truyền thống của ngành học này thì sinh viên được đào tạo ngành học này còn phù hợp các công việc sử dụng máy xạ trị như trong điều trị bệnh ung thư...
Vì thế, sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, sau khi ra trường hoàn toàn có thể được các bệnh viện lớn tuyển dụng vào làm ở những vị trí phụ trách máy hạt nhân, dao mổ hạt nhân...