Đây là thông tin từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) tại hội nghị hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ GD&ĐT sáng nay (25/6).
Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc thưởng công bố quốc tế theo quy định tại Nghị định 99/2014/NĐ-CP đối với các bài báo được công bố trong danh mục ISI hàng năm.
Kết quả cho thấy, số lượng công bố quốc tế trong danh mục ISI của các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT tăng từ 1.376 bài năm 2017 lên 1.718 bài năm 2018 (tăng 25%) và 2.412 bài năm 2019 (tăng 40%).
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các bài báo quốc tế cũng tăng đáng kể. Trong số 2.412 bài báo quốc tế năm 2019, có tới 1.013 bài Q1 (chiếm tỷ lệ 42%) và và 901 bài Q2 (chiếm tỷ lệ 37%). Có 8 đơn vị đạt tổng cộng trên 100 bài năm 2019, trong đó có 07 đơn vị có số bài Q1 và Q2 trên 100.
Điều này đã góp phần không nhỏ làm tăng vị thế và thứ hạng của các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ trong khu vực và trên giới, dần hình thành một số trường đại học định hướng nghiên cứu có thứ hạng cao trong khu vực.
Theo bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu khoa học (SCImago Institution Ranking) năm 2019, có 2 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ được xếp hạng cao trong khu vực châu Á và thế giới là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp hạng 375 châu Á, 723 thế giới), Trường ĐH Cần Thơ (xếp hạng 457 châu Á, 812 thế giới).
Theo bảng xếp hạng ĐH thế giới (QS World University Rankings) năm 2019, có 4 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ (cả nước có 8) được xếp hạng trong top 500 châu Á là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp thứ hạng 261-270), Trường ĐH Cần Thơ (351-400), ĐH Huế (451-500), ĐH Đà Nẵng (451-500).
Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong 2 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam được Times Higher Education (THE) xếp hạng trong nhóm 801-1.000 của 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (còn có ĐHQG Hà Nội xếp cùng nhóm).
Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4 ngành được THE xếp ở thứ hạng cao là Kỹ thuật Điện - Điện tử (nhóm 351-400, số 1 Việt Nam), Kỹ thuật cơ khí - Hàng không và chế tạo (nhóm 351-400, số 1 Việt Nam), Kỹ thuật máy tính và Hệ thống thông tin (nhóm 451-500, số 1 Việt Nam), Toán học (nhóm 451-500, số 2 Việt Nam, sau ĐHQG Hà Nội). ĐHQG Hà Nội có 3 nhóm ngành, ĐHQG Tp.HCM có 2 nhóm ngành.