Thái Nguyên hiện có 240 trường mầm non, trong đó 39 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề và Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã lựa chọn ra 6 trường mầm non để thực hiện mô hình thí điểm thực hành.
Hằng năm, Sở GD&ĐT đã tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá công tác triển khai, chỉ đạo thực hiện. Thông qua các đề án chương trình như " Chương trình kiên cố hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Xây dựng trường chuẩn quốc gia"... cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm, đầu tư. Đến nay, số phòng học được xây dựng, cải tạo ngày một tăng, cụ thể có 1786 phòng kiên cố và 1320 bán kiên cố.
Tiến hành rà soát đánh giá về môi trường, cơ sở vật chất. Hướng dẫn các cơ sở GDMN xây dựng, cải tạo, trang bị, mua sắm, bổ sung đồ dùng, đồ chơi, phù hợp với điều kiện thực tế. Huy động 32777 ngày công lao động từ phụ huynh nhằm cải tạo, sửa chữa lớp học và hoạt động ngoài trời.
Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng môi trường giáo dục, khung cảnh nhà trường thân thiện với tiêu chí "Sáng – xanh- sạch – đẹp – an toàn". Tận dụng đất để tạo khu vườn sinh thái, trồng cây xanh bóng mát, cây ăn quả, vườn rau...
Tổ chức cuộc thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non", chọn ra 5 đơn vị tiêu biểu để dự thi cấp tỉnh. Trong 45 sản phẩm dự thi đã lựa chọn ra 3 sản phẩm xuất sắc tham gia thi cấp Bộ.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo cho cán bộ, giáo viên cốt cán, lập kế hoạch giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: Qua 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, trẻ hào hứng tham gia trải nghiệm, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn nhất định về công tác bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới như: Thiếu hoặc phòng học chật hẹp ảnh hưởng đến không gian, môi trường hoạt động. Thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học và nhiều điểm trường cách xa nhau khó khăn trong tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục.
Như vậy, việc giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm được coi là nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay.
Tại hội nghị, Sở GD&ĐT cũng đã tổng kết 5 năm triển khai thực hiện đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" Đồng thời, trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án.