Cụ thể, trên cơ sở thực tiễn cũng như tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế, Viện ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đề nghị chỉnh sửa Điều 8 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) theo hướng mở rộng và khuyến khích các hình thức liên thông như sau:
Sửa khoản 1, theo hướng mở rộng khái niệm liên thông theo hướng bao gồm mọi hình thức thừa nhận kết quả học tập và kinh nghiệm đã có; xóa bỏ khái niệm liên thông cứng theo ngành nghề; thừa nhận kinh nghiệm là một nội dung có thể chấp nhận liên thông.
Ví dụ người học đã có kinh nghiệm trong nghề nghiệp thì không phải học lại các học phần thực tập hoặc người lớn đi học thì không phải học lại một số học phần của giáo dục đại cương.
Thêm khoản 2 thể hiện quan điểm khuyến khích đẩy mạnh liên thông giữa các cơ sở giáo dục; sửa khoản 3 quy định về các cơ sở của điều kiện liên thông.
Xóa bỏ khái niệm cứng về chương trình liên thông, thống nhất với quan điểm ở khoản 1 là liên thông bao gồm mọi hình thức thừa nhận kết quả học tập và kinh nghiệm đã có; thêm khoản 4 đề nghị phải có một quy định về liên thông ở cấp Chính phủ.
Liên quan đến nội dung này, Trường ĐH Kinh tế quốc dân bổ sung một điều luật quy định riêng về liên thông vào luật (Điều 8) để làm rõ hình thức, cách thức liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người;
Bổ sung 1 điều khoản vào luật (Khoản 3 Điều 120) nhằm sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp để tạo sự liên thông, thống nhất giữa quy định của 2 Luật.
Trường ĐH Vinh thì đề nghị liên thông giữa các trình độ trong cùng một cấp học phải căn cứ vào Bảng phân loại quốc tế về giáo dục (International Standard Classification of Education - ISCED) do UNESCO ban hành năm 2011, Khung tham vấn các trình độ ASEAN và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Những ý kiến trên được Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) – đưa ra trong tổng hợp ý kiến các hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý luật.
Theo Vụ Pháp chế, có 8 hội thảo, hội nghị, tọa đàm thảo luận về vấn đề này. Trong đó, cơ bản có hai loại ý kiến.
Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, bổ sung một điều luật quy định riêng về liên thông vào Luật Giáo dục sửa đổi để làm rõ hình thức, cách thức liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người; bổ sung quy định vào Luật Giáo dục (sửa đổi) để sửa đổi nội dung có liên quan của Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo sự thống nhất giữa quy định của hai Luật.
Sửa đổi này nhằm thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của UNESCO và các nước phát triển trên thế giới; khắc phục tình trạng Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định cụ thể về liên thông, trong khi đạo luật cơ bản về giáo dục là Luật Giáo dục lại chưa có quy định cụ thể việc này, gây khó khăn cho liên thông trong cả hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung liên thông chương trình với nước ngoài; không áp dụng liên thông đối với ngành sư phạm và y tế; hoặc có ý kiến không đồng ý quy định liên thông vì không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo công bằng cho người học chính quy và người học không chính quy.