Các trường chủ động bắt nhịp với cơ chế tự chủ

Thứ bảy - 09/03/2019 10:43 382 0

Các trường chủ động  bắt nhịp với cơ chế tự chủ

GD&TĐ - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 tới đây. Theo đó, các đại học sẽ phải thay đổi rất nhiều để bắt nhịp với những chính sách mới được quy định trong Luật, đặc biệt là chính sách tự chủ. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Động lực để các trường phát triển

* Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH không chỉ là hành lang pháp lý quan trọng mà còn là động lực để các trường đại học phát triển. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đều biết, GDĐH là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính bậc học này sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống GDĐH hiện nay.

Hội nhập sâu và sớm với thế giới so với các lĩnh vực khác, kết nối của GDĐH Việt Nam với hệ thống GDĐH thế giới nói chung và với các lĩnh vực khác rất là mạnh và cởi mở. Chính vì vậy, đòi hỏi của thị trường lao động và quá trình hội nhập đối với GDĐH ngày càng cao hơn. Theo đó, GDĐH phải có những thay đổi nhanh, thay đổi sâu và thay đổi trước so với các lĩnh vực khác. Đây cũng chính là lý do mà Luật GDĐH năm 2012, sau khi có hiệu lực 5 năm, Quốc hội đã phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập, phát triển.

Có thể nói, so với các dự án luật khác thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội kể cả thảo luận tổ, thảo luận ở hội trường và trên một số diễn đàn khác. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với dự án Luật này. Chính vì vậy, việc Quốc hội thông qua Luật này đã được các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao.

Qua tìm hiểu ban đầu của chúng tôi cho thấy, Luật đã được các trường đại học đón đợi. Các trường coi đây là cơ hội, là động lực để GDĐH tiếp tục đổi mới và phát triển. Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính là một thành công và đáp ứng được sự mong đợi của hệ thống GDĐH nước nhà.

* Dựa vào cơ sở nào mà ông có những nhận định như trên?

Các trường chủ động  bắt nhịp với cơ chế tự chủ - Ảnh minh hoạ 2Ông Phạm Tất Thắng. Ảnh: Sỹ Điền

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hai nội dung quan trọng và nhận được sự quan tâm nhiều nhất của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội. Đầu tiên, đó là nội dung về tự chủ đại học. Đây chính là điểm mấu chốt và cũng có thể nói là yêu cầu cầu cơ bản đối với việc sửa đổi Luật lần này. Tức là sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm thúc đẩy để nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học.

Trong Luật GDĐH năm 2012 nội dung về tự chủ đại học đã được đề cập, thậm chí lúc đó chúng ta còn coi tự chủ là một quyền đương nhiên của các cơ sở GDĐH. Tức là, đã là cơ sở GDĐH thì họ có quyền tự chủ. Nhưng đấy là quan điểm, còn thể hiện thành những điều khoản trong Luật để thành những chính sách cụ thể thì chúng ta chưa quy định chi tiết. Cho nên mặc dù chúng ta nhận thức được như vậy nhưng trong thực tế, sau khi Luật triển khai thì chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và chưa triển khai được đúng như mong muốn. Đây chính là yêu cầu cấp thiết khi sửa đổi Luật lần này. Thực tế nội dung tự chủ đã được quan tâm, trao đổi nhiều nhất của đại biểu Quốc hội và các trường đại học.

Nội dung thứ hai là, chúng ta cũng mong muốn có một hành lang pháp lý cần thiết, đủ mạnh để các cơ sở GDĐH ngoài công lập có điều kiện phát triển. Đây có thể nói là hai nội dung rất quan trọng trong việc sửa đổi Luật lần này.

Các trường chủ động  bắt nhịp với cơ chế tự chủ - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh họa

Không trường nào bị bỏ rơi

* Chỉ còn mấy tháng nữa Luật sẽ chính thức có hiệu lực. Bên cạnh những trường sẵn sàng đón nhận chính sách tự chủ thì cũng có những trường lo lắng và tâm tư. Ông có chia sẻ gì để các trường yên tâm và tin tưởng vào chính sách mới?

- Tự chủ là một yêu cầu, một mong muốn nói chung của các cơ sở GDĐH. Đây cũng là mục đích chung mà chúng ta sẽ hướng đến, để làm sao tạo cơ chế cho các trường, các cơ sở GDĐH tự khẳng định mình và thể hiện được trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên không phải sau khi Luật có hiệu lực là tất cả các trường đồng loạt tự chủ như nhau. Mà chúng ta có lộ trình và những trường có đủ điều kiện thì mới tự chủ. Quá trình tự chủ cũng có lộ trình thông qua việc kiểm định, cho phép của cơ quan quản lý để các trường có thể tự chủ.

Như vậy chúng ta vừa cần điều kiện, vừa cần quá trình để các trường tự chủ chứ không phải từ ngày 1/7/2019 (ngày Luật có hiệu lực thi hành) là tất cả các trường đồng loạt tự chủ. Vì thế các trường cũng không phải lo ngại lắm.

Ngoài ra, vừa qua chúng ta có Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ cho phép 23 cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ. Đây là những trường mạnh, có đủ điều kiện để thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, việc tự chủ vừa qua gắn với việc tự chủ tài chính. Tức là đơn vị nào tự chủ được tài chính hoàn toàn, kể cả kinh phí chi thường xuyên lẫn kinh phí đầu tư thì được giao quyền tự chủ cao. Nhưng đó là một quan điểm không hoàn toàn phù hợp và quan điểm này cũng đã được thay đổi.

Tự chủ cũng không có nghĩa là Nhà nước “bỏ rơi” các trường và không phải để các trường tự lo mà Nhà nước thay đổi phương thức quản lý kinh phí. Trước đây, chúng ta giao kinh phí cho các trường theo định mức, theo đầu sinh viên; bây giờ Nhà nước thay đổi phương thức giao này.

Theo đó, những trường nào, những ngành nghề, lĩnh vực nào mà xã hội có nhu cầu cao, có khả năng xã hội hóa tốt thì mức độ tự chủ về kinh phí của những trường đó sẽ phải cao hơn; còn những trường, những ngành không “hot” trong xã hội nhưng Nhà nước có nhu cầu, chẳng hạn như: Các trường thuộc khối sư phạm, các trường thuộc lực lượng vũ trang, y tế, những ngành đặc thù như hạt nhân... thì Nhà nước sẽ cấp kinh phí thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chứ không phải cấp kinh phí theo định mức đầu sinh viên đồng đều như trước đây.

Và đã tự chủ thì Nhà nước cũng chỉ thay đổi phương thức giao kinh phí thường xuyên, còn kinh phí đầu tư Nhà nước vẫn phải có cách thức đầu tư phù hợp. Tức là phương thức quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các trường phải thay đổi. Đây cũng là một trong những yêu cầu của tự chủ.

* Nhiều người cũng đặt vấn đề quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, nhất là tới đây Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực và cơ chế tự chủ sẽ chính thức được áp dụng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tự chủ vừa là một yêu cầu, vừa là đích đến chắc chắn phải thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ có lộ trình. Những trường hội đủ điều kiện sẽ thực hiện tự chủ trước và tự chủ toàn diện. Còn những trường chưa đủ điều kiện có thể sẽ tự chủ một phần. Quan điểm là chúng ta sẽ thực hiện từng bước để những trường chưa có đủ điều kiện, chưa có đủ năng lực và chưa có đủ tâm thế sẽ có thời gian chuẩn bị. Tất nhiên đến một lúc nào đó thì họ cũng phải thực hiện tự chủ theo quy định.

Cũng thông qua cơ chế này, chúng ta cũng tính đến quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH... Đến lúc nào đó, các cơ sở không đủ khả năng, không đủ năng lực, không đủ điều kiện thì cũng phải tính đến việc sáp nhập với các cơ sở GDĐH khác để vừa thu gọn lại số lượng, vừa là để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDĐH.

Nhà trường, giảng viên phải chủ động, sáng tạo

* Như vậy, các trường sẽ phải thay đổi như thế nào để bắt nhịp với cơ chế tự chủ, thưa ông?

- Tự chủ đồng nghĩa với việc các trường phải rất năng động. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã tạo ra hàng lang pháp lý để các trường xây dựng chiến lược phát triển. Tức là các trường sẽ phát huy quyền tự chủ, sáng tạo của mình chứ không phải cầm tay chỉ việc, giao nhiệm vụ cụ thể từ phía cơ quan quản lý hoặc là từ bộ chủ quản như trước đây nữa.

Chính vì vậy, các trường sẽ phải chủ động và không ngừng đổi mới sáng tạo. Để đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường hiện nay, thì các trường phải rất năng động và cạnh tranh để có được sự tín nhiệm của xã hội. Từ đó tạo dựng thương hiệu và thu hút thí sinh.

Ngoài ra, để có được nguồn kinh phí đầu tư từ Nhà nước, các trường cũng phải có đủ năng lực, đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu từ những “đơn đặt hàng” của Nhà nước.

Nếu trường nào có năng lực, chủ động thì sẽ thích ứng với yêu cầu về tự chủ. Qua đó, nguồn thu của nhà trường và nguồn thu của cán bộ sẽ tốt hơn. Ngược lại những trường không đủ năng lực, không năng động và vẫn quen với cơ chế bao cấp thì sẽ gặp khó khăn trước yêu cầu thực hiện về cơ chế tự chủ.

* Còn đối với giảng viên thì sao, ông có lời khuyên nào dành cho họ?

- Khi thực hiện tự chủ, các giảng viên cũng phải vận động và đổi mới chính mình. Cơ sở GDĐH là một chỉnh thể về mặt tổ chức. Khi nhà trường tự chủ thì các đơn vị bên dưới, các khoa, các trung tâm… cũng phải nâng cao tự chủ. Theo đó, mỗi cán bộ phải năng động để thích ứng và có thể làm được một khối lượng công việc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Bản thân cán bộ, giảng viên cũng phải tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học, hợp đồng, “đơn đặt hàng” để mang về cho khoa, cho trường mình. Qua đó góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường.

* Xin cảm ơn ông!

“Tự chủ không có nghĩa là tự do và tự lo. Tự chủ là cơ chế, là việc mà các trường phải tự khẳng định năng lực quản lý, quản trị của mình để phát huy được tốt nhất khả năng, nguồn lực trong nhà trường. Qua việc thực hiện tự chủ nhà trường sẽ phải chuyển động, sáng tạo, phát triển và hội nhập”Ông Phạm Tất Thắng

Tác giả bài viết: Sỹ Điền thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập357
  • Hôm nay15,077
  • Tháng hiện tại293,207
  • Tổng lượt truy cập51,649,166
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944