Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Tính đến “cầu” trong sắp xếp các trường sư phạm
GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Về mục tiêu của đề tài, GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ, đề tài hướng đến việc hình thành mạng lưới các trường sư phạm với một số trường đại học sư phạm trọng điểm có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; đồng thời góp ý cho đề tài, đi sâu một số nội dung quan trọng như nguyên tắc sắp xếp mạng lưới, mô hình đào tạo, phân cấp quản lý nhà nước về đào tạo giáo viên, việc hình thành các trường đại học sư phạm trọng điểm, dự báo cung - cầu trong đào tạo giáo viên…
“Quá trình sắp xếp các trường sư phạm mà không tính đến “cầu” là thua” - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngay trong phần gợi ý thảo luận của Tọa đàm. Theo Bộ trưởng, vấn đề sắp xếp các trường sư phạm không phải mới nhưng sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây “sốc” là việc phải tính toán, trong đó điểm xuất phát phải từ nhu cầu.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng về nguyên tắc bảo đảm “cầu”, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay đang có tình trạng mất cân đối cung - cầu trong đào tạo giữa các bậc học, giữa các môn học, giữa các trình độ đào tạo, vì vậy, nếu không làm tốt việc dự báo sẽ khó thực hiện sắp xếp được hệ thống các trường sư phạm.
Cũng nhìn nhận đến điếm cuối cùng là nhu cầu giáo viên, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đánh giá, đề tài mới chỉ dừng ở việc giải quyết vấn đề trước mắt mà chưa bám vào đích cuối cùng. “Chúng ta phải nhìn được đến năm 2045 đội ngũ giáo viên sẽ như thế nào để hình dung hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Chúng ta không đuổi theo mãi thực tiễn mà phải dẫn dắt thực tiễn đến đích của chúng ta” - GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.
Quan tâm tiêu chí, tiêu chuẩn sắp xếp
Khẳng định điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Chúng ta có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, việc rà soát, sắp xếp không thể cực đoan đi từ chỗ có rất nhiều cơ sở đến chỉ còn một vài cơ sở mà sắp xếp có định hướng, tạo ra một hệ thống quy củ, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh nước ta và có tham khảo quốc tế.
Nói về nguyên tắc, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới phải đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên; hệ thống đó phải được phân bố hợp lý trong cả nước, vùng lãnh thổ, có quan tâm đến vùng sâu, vùng xa; phân loại, xếp hạng được các loại cơ sở đào tạo.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nêu ý kiến, bản chất của đề tài này là tái cơ cấu hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm khắc phục thực trạng hiện nay là lãng phí, thiếu chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đưa ra mô hình tái cơ cấu trong đề tài còn rụt rè, cụ thể ở đây là xu hướng theo đa ngành.
“Trên thế giới hiện nay chỉ còn Việt Nam là đào tạo sư phạm chuyên ngành, vì vậy, xu hướng các trường sư phạm phải chuyển sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; các trường nhỏ phải thành thành viên của hệ thống lớn” - TS Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm
Đồng tình với quan điểm của TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng cần xem xét mô hình đào tạo giáo viên nên như thế nào; cùng với đó, giải quyết được phân cấp quản lý trong đào tạo giáo viên: bộ, ngành, địa phương quản lý đến đâu, các cơ sở đào tạo giáo viên quản lý đến đâu. “Đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế thời đại, không thể khác được” - GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.
Đề cập cụ thể vấn đề quản lý nhà nước trong nguyên tắc sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP nêu quan điểm, ngành sư phạm phải được quản lý từ Trung ương và phải có kế hoạch chặt chẽ, không giống các ngành khác. Bộ GD&ĐT là đơn vị sử dụng thì đương nhiên phải quản lý chặt chẽ xem có đáp ứng được đầu ra nhân lực mình sử dụng hay không. Đó là lý do cấp bách chúng ta phải kiện toàn lại hệ thống sư phạm.
Khẳng định đột phá trong giáo dục tới đây là từ đội ngũ giáo viên; sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm tốt là “đột phá trong đột phá”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị nhóm nghiên cứu tập trung xác định rõ nhu cầu đào tạo giáo viên, nghiên cứu mô hình trường sư phạm dựa trên cấu trúc, quy mô, tiêu chí đảm bảo chất lượng, xây dựng tiêu chí phân loại, khảo sát thực trạng, từ đó đề xuất phương án sắp xếp sao cho khả thi và hiệu quả.
Trường sư phạm không phải là nơi đào tạo “thợ dạy”
“Cần làm rõ mô hình một trường đại học sư phạm đa ngành, đa lĩnh vực là như thế nào; quy trình đào tạo một người thầy là như thế nào để trường sư phạm không phải là nơi đào tạo “thợ dạy” mà phải là trung tâm nghiên cứu về khoa học giáo dục; người thầy không phải “thợ dạy” mà phải là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa” - Bộ trưởng nêu rõ.