Kết quả nổi bật
Bộ GD&ĐT đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ chế, chính sách, tháo gỡ các “nút thắt” để phát triển giáo dục như: Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, 3 Nghị định, 2 Nghị quyết của Chính phủ, 9 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 28 Thông tư của Bộ GD&ĐT.
Một kết quả khác là Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã tổ chức thành công, đảm bảo công bằng, khách quan, an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng, hiệu quả được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy Kỳ thi đã đáp ứng được mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ. Đồng thời phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền.
Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã được ban hành; các điều kiện thực hiện được chuẩn bị tích cực như: thẩm định SGK lớp 1 để triển khai từ năm học 2020-2021; ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, hiệu trưởng phổ thông và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; rà soát, phát triển hệ thống trường lớp đảm bảo học 2 buổi/ngày cho cấp tiểu học.
Cùng với đó là việc tăng cường phân cấp cho các địa phương trong quản lý giáo dục; đẩy mạnh tự chủ đại học. Chất lượng giáo dục đại học được nâng lên, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia. Lần đầu tiên Việt Nam có 4 trường ĐH lọt vào nhóm 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng THE (Times Higher Education).
Những nhiệm vụ quan trọng sẽ triển khai
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, Kết luận 51 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Kết luận 49 của Trung ương về xây dựng xã hội học tập, thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó ưu tiên tập trung các nhóm nhiệm vụ sau:
Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước, thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục; đề xuất quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, phổ thông.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp, rà soát, sắp xếp đội ngũ GV bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn GV đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có GV”. Thực hiện bồi dưỡng GV, nhất là GV lớp 1 và CBQL giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, triển khai tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức tập huấn GV, CBQL sử dụng SGK lớp 1; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra và trong quá trình GDĐT; phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia. Tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm minh bạch, khách quan, chính xác.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, xây dựng và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu trực tuyến về giáo dục đại học; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành.
Hội nhập quốc tế trong GDĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục có uy tín của nước ngoài hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận. Tăng cường thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín đầu tư vào Việt Nam.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 1 năm học 2020 - 2021; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, một số phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu để phát triển một số đại học/trường đại học trọng điểm.