Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc

Thứ sáu - 24/12/2021 22:34 1.217 0
GD&TĐ - Giáo dục quốc phòng, an ninh nhằm bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc

Tuy nhiên, việc triển khai dạy - học bộ môn này ở nhiều trường vẫn còn gặp khó khăn, cần nhiều giải pháp tháo gỡ.

Đưa thiết bị ra lớp

Trực tiếp giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh, thầy Bàng Tất Thắng - Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang) - nhận thấy: Những năm gần đây, bộ môn này được các trường phổ thông quan tâm và chú trọng. Nội dung trong sách giáo khoa dành cho giáo viên và học sinh ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đặc biệt đối với nội dung thực hành được quan tâm hơn trước; nhất là về cơ sở vật chất như: Súng đạn, máy bắn tập…

Theo thầy Thắng, trường phổ thông được trang bị nhiều loại súng có chất lượng, đặc biệt là loại súng cấp 5 hoán cải. Ngoài ra, nhiều trường được trang bị máy bắn tập trên thiết bị máy tính và tính điểm thực tế trực tiếp. Cùng với đó, các loại lựu đạn tương xứng với thực tế có rất nhiều để cho học sinh tập và thực hành.

Năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) chỉ đạo giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh bám sát theo hướng dẫn Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24/11/2020 của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhà trường bố trí dạy tập trung theo khối lớp, bảo đảm không quá 3 tiết/buổi. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thực hiện theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo giáo viên xác định yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình môn học để triển khai dạy học bộ môn này, nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc - Ảnh minh hoạ 2
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luyện tập bắn súng. Ảnh: INT

“Việc dạy - học giáo dục quốc phòng an ninh của nhà trường được thực hiện đúng tiến độ, chương trình, nội dung giảng dạy theo quy định. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục quốc phòng và an ninh. Đảm bảo linh hoạt, chặt chẽ, an toàn trong quản lý học sinh tại các buổi học tập trung”, thầy Hùng chia sẻ.

Với hơn 1.800 học sinh, Trường THPT Tuy Phong (Bình Thuận) đã triển khai dạy - học giáo dục quốc phòng và an ninh một cách hiệu quả. Thầy Hiệu trưởng Phạm Ngọc Khôi Nguyên cho hay: Để nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn này, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Theo đó, 100% giáo viên vận dụng thành công và sử dụng thường xuyên các phương tiện dạy học hiện đại, thiết bị dạy học trong các giờ dạy.

Đặc biệt, sau khi được cấp phát thiết bị dạy học, nhà trường đã cử giáo viên phụ trách tham gia các lớp tập huấn quản lý và sử dụng trang thiết bị. Qua đó,  triển khai kịp thời đến từng tiết học, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Mặt khác, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc việc sử dụng thiết bị dạy học. “Hiện, nhà trường được cung cấp tương đối đầy đủ trang thiết bị cho dạy - học, có tủ chứa cẩn thận, giúp giáo viên thuận lợi trong việc mượn - trả thiết bị khi giảng dạy”, thầy Nguyên chia sẻ.

Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh thực hành băng bó cứu thương tại Hội thao học sinh giỏi toàn quốc lần thứ 2 năm 2017. 

Tăng cường cơ sở vật chất

Theo thầy Nguyên, khó khăn của nhà trường là, số học sinh trong một lớp đông nên việc quán xuyến, uốn nắn, rèn kỹ năng cho các em trong giờ học còn nhiều bất cập. Một số thiết bị có độ bền chưa cao, tính chính xác chưa thuyết phục nên việc bảo quản thiết bị, hiệu quả sử dụng còn khó khăn. Ngoài ra, do không có cán bộ, thiết bị chuyên trách nên việc quản lý còn hạn chế.

Số lượng học sinh/lớp đông nên trang thiết bị hiện tại chưa thật đầy đủ để phục vụ nhu cầu thực hành của các em. Ngoài ra, một số thiết bị được trang bị khá lâu nên hiệu quả sử dụng không cao. “Thực tế cho thấy, thiết bị dạy học được giáo viên sử dụng thường xuyên hàng ngày nên rất cần độ bền cao, có tính chính xác lớn”, thầy Nguyên đề xuất.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị: Cần bổ sung trang thiết bị, mô hình học cụ như: Trang phục, tranh ảnh... Qua đó, giúp thầy – trò nâng cao chất lượng, hiệu quả trong dạy – học. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần bố trí giáo viên chuyên ngành giáo dục quốc phòng và an ninh để giảng dạy, nhằm bảo đảm tính “chính quy, tinh nhuệ” cho cả thầy và trò.

Dưới góc nhìn của giáo viên, thầy Bàng Tất Thắng mong muốn, kết thúc ba năm học môn Giáo dục quốc phòng ở khối THPT, mỗi học sinh được ít nhất một lần bắn đạn thật. Có như vậy, bài học mới mang lại giá trị thực tiễn và đạt hiệu quả cao.

Theo TS Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp; trong đó cần ưu tiên đầu tư có trọng điểm Đề án Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu đào tạo; đổi mới tổ chức phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học.

“Cơ sở vật chất có vai trò quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh. Môn học này có yếu tố đặc thù, cơ sở vật chất liên quan đến vũ khí quân dụng. Vì vậy, cùng với việc đổi mới các khâu, các bước của quá trình giáo dục quốc phòng và an ninh, cần tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo cho quá trình dạy - học” – TS Nguyễn Duy Quyết đề xuất, đồng thời kiến nghị: Trước mắt, Bộ GD&ĐT ưu tiên đầu tư cho nhà trường có được các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục quốc phòng thời kỳ mới.

Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc - Ảnh minh hoạ 4
 Cần xây dựng các cụm thao trường, bãi tập. Ảnh minh hoạ/INT.

Bồi đắp tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc

Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà viện dẫn: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh nêu rõ, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình. Trong trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa.

Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường học, ông Tứ cho rằng: Cùng với việc phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa nội dung giáo dục bộ môn này vào chương trình bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên, các địa phương cần cử cán bộ của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT huyện, thành phố tham gia lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức.

KKhuyến khích các đơn vị tăng cường tổ chức hoạt động thực tiễn rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Chỉ đạo nhà trường đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hình thành năng lực ở học sinh; các trường học phối hợp với ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố tham gia giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh.

Tùy theo từng cấp học, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản khác nhau. Chẳng hạn, với tiểu học, THCS, các em được học kiến thức quốc phòng, an ninh thông qua tiết học lồng ghép vào các môn như: Lịch sử, Giáo dục công dân, Đạo đức, hoạt động ngoại khóa... Đối với bậc THPT, học sinh được học những kiến thức chung về công tác quân sự, quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, các cấp học được thầy, các cô truyền tải những hiểu biết chung về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; truyền thống của lực lượng quân đội và công an; Luật Nghĩa vụ quân sự; tầm quan trọng của an ninh quốc gia; một số nội dung cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Hằng năm, các đơn vị có thể cử một số học sinh THPT tham gia lễ ra quân huấn luyện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ban chỉ huy quân sự các huyện; lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ... Qua đó nhằm hun đúc cho các em tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sẵn sàng “xếp bút nghiên” lên đường bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần.

Có thể nói, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, bồi đắp truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác. Qua đó, góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Ông Tứ nhấn mạnh: Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh là thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, các cơ sở giáo dục cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục. Trong đó, nội dung giáo dục quốc phòng phải được tiến hành đồng bộ từ văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh đến kiến thức, kỹ năng cơ bản về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giáo dục về tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, truyền thống cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cùng với đó, cần phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong trường học. Mỗi giáo viên, học sinh phải tự giác, chủ động, tích cực tham gia hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh. Coi đây là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn thanh niên ở khu vực trọng yếu, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

“Việc bảo đảm đầy đủ vũ khí, trang bị, phương tiện; xây dựng các cụm thao trường, bãi tập, phòng học giáo dục quốc phòng tập trung, chuyên dụng theo hướng hiện đại... có ý nghĩa quan trọng đến quá trình đào tạo và tác động trực tiếp đến chất lượng dạy - học của thầy - trò”. - RTS Nguyễn Duy Quyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập705
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm704
  • Hôm nay39,242
  • Tháng hiện tại317,372
  • Tổng lượt truy cập51,673,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944