Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: Đào tạo kĩ năng quản lý lớp học trong môi trường sư phạm ở Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm công tác, đòi hỏi cao của đổi mới giáo dục… Vì vậy, bồi dưỡng kiến thức, năng lực này trở thành đòi hỏi bức thiết.
Yếu tố quyết định chất lượng
Thông qua nghiên cứu năng lực quản lý lớp học của GV phổ thông mới vào nghề trên 342 GV có kinh nghiệm công tác từ 1 - 5 năm, được chọn ngẫu nhiên ở các trường THCS và THPT thuộc địa bàn Hà Nội, Thanh Hóa, Cần Thơ… ThS Nguyễn Thị Hằng – Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐHSP Hà Nội) nhận thấy: Đa số hoạt động quản lý giảng dạy và hành vi được thực hiện ở mức từ thỉnh thoảng đến thường xuyên…
Bên cạnh đó, những yếu tố được đánh giá yếu của GV trẻ phần lớn thuộc về quản lý hoạt động giảng dạy/hoạt động học tập như: Bao quát toàn thể HS; Phát triển và xử lý hoạt động giảng dạy/hoạt động học tập.
ThS Nguyễn Thị Hằng cho rằng: Trong những năm đầu mới vào nghề, GV có xu hướng tập trung vào các hoạt động quản lý dạy học – những hoạt động của bản thân hơn học tập của HS. Họ luôn cố gắng để làm tốt những phần việc của mình, nhưng cũng chính vì vậy đã không tập trung ưu tiên cho việc làm thế nào để HS học tốt hơn.
Trong tất cả các khía cạnh quản lý lớp học, quản lý hoạt động học tập của HS, cuốn hút các em vào học tập của GV là năng lực còn nhiều hạn chế nhất. Điều này liên quan trực tiếp kinh nghiệm công tác. Bởi việc tổ chức giờ học hiệu quả đòi hỏi GV phải có kinh nghiệm, nhuần nhuyễn trong phương pháp và có nghệ thuật.
Ảnh minh họa/ INT |
Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) cũng bày tỏ: Một trong những hạn chế đặc trưng của GV trẻ là chưa tạo ra sự tương tác giữa GV – HS; HS - GV, đặc biệt là giữa HS – HS. Hơn nữa, chuyển biến tích cực trong năng lực quản lý lớp học của GV từ 1 - 5 năm kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau. GV đứng lớp 5 năm hướng đến việc quản lý hoạt động học tập của HS nhiều hơn. Họ đã thoát ra khỏi sự máy móc, cứng nhắc trong việc quản lý giờ học trên lớp. Trong khi đó, GV càng ít kinh nghiệm càng có xu hướng tập trung vào hoạt động của bản thân mà ít chuyển hướng tập trung vào người học…
Để GV bắt kịp đổi mới
ThS Nguyễn Thị Hằng khẳng định: Vai trò của đội ngũ GV nói chung và GV trẻ nói riêng trong đổi mới giáo dục vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu về quản lý lớp học trên thế giới đã khẳng định đây là yếu tố quyết định chất lượng dạy học. Thực tế cũng cho thấy, nếu không quản lý tốt lớp học, mọi nỗ lực dạy học của GV đều khó có thể mang lại kết quả như mong đợi.
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới nhất định GV phải được đào tạo để trở thành nhà giáo dục hơn là thợ dạy. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực đội ngũ GV hiện nay thường chỉ quan tâm đến năng lực dạy học.
Theo GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, qua khảo sát năng lực công tác của GV có thâm niên công tác ở trường từ 1 - 5 năm đầu cho thấy họ có chung những khiếm khuyết nghề nghiệp. Vì vậy có thể thiết kế nội dung bồi dưỡng thống nhất cho đối tượng này, gồm hai công đoạn: Một năm đầu hành nghề và sau tập sự.
Công đoạn đầu có mục tiêu bồi dưỡng GV hoàn thành những khiếm khuyết mà 4 năm đào tạo ban đầu còn để lại (kĩ năng thực hành và hiểu biết nhà trường phổ thông). Thực chất, bồi dưỡng ở công đoạn này giúp GV củng cố, bổ sung kiến thức, kĩ năng dạy học, giáo dục để đáp ứng chương trình, SGK phổ thông cấp học tương ứng. Đây là công đoạn bồi dưỡng để GV có thể đạt chuẩn năng lực mức tối thiểu, có thể được hành nghề.
Công đoạn tiếp theo là hoàn thiện nâng cao năng lực nghề nghiệp, GV đã quen với nghề và bắt đầu có năng lực chủ động giải quyết một số tình huống sư phạm điển hình thường hay gặp.
Ông Nghiêm Nhật Anh – Giám đốc điều hành Trường TH & THCS Everest (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: Sau vòng tuyển chọn khắt khe với những tiêu chí rõ ràng, GV trẻ sẽ có thời gian tập sự hay còn gọi là làm GV chủ nhiệm 2 trong 2 - 3 năm. Thời gian này sẽ giúp họ học hỏi, tích lũy từ thực tế và GV có bề dày về các kinh nghiệm quản lý lớp học; Quản lý hành vi của HS; quản lý giảng dạy, quản lý học tập của HS; năng lực quản lý cảm xúc bản thân; Cuốn hút HS vào các hoạt động học tập…
Sau quá trình đó, nhà trường sẽ đánh giá, kiểm định… Nếu đạt được yêu cầu mới được chuyển lên làm GV chủ nhiệm 1, nếu chưa đạt tiếp tục thử thách với vai trò GV chủ nhiệm 2. Như vậy, GV trước khi đảm đương nhiệm vụ GV chủ chốt phải trải qua quá trình học hỏi, thử thách, kiểm định…