Tiền tỷ xây trường nghề rồi… bỏ hoang
Một số dự án trường học tại Hà Tĩnh được đầu tư mới từ vốn ngân sách với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng nhiều năm nay, các công trình này bị bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả.
Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp tại thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân). Do ngày càng vắng học viên, năm 2013 tỉnh cho sáp nhập với Đại học Hà Tĩnh. Cũng từ đây, cơ sở này “đắp chiếu” bỏ hoang.
Trường Cao đẳng nghề Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hiện cũng đang phải “sống dở chết dở” vì không thu hút được học viên. Dự án do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt trên diện tích hơn 16 ha, mức đầu tư lên đến 519 tỷ đồng.
Theo kế hoạch dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, mỗi năm ngôi trường này sẽ đào tạo nghề cho khoảng 3.000 học viên theo học. Các ngành nghề đào tạo như điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn… Học viên là nguồn nhân lực cung cấp cho dự án Formosa tại khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, đầu năm 2011, sau khi hoàn thành xây dựng được một dãy nhà học 4 tầng với hàng chục phòng, 3 dãy nhà xưởng và mua sắm nhiều thiết bị dạy học, trường bắt đầu hoạt động thì lại không thu hút được người học. Cơ sở vật chất không được sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.
Ngoài ra, để thu hút học viên, năm 2012 tỉnh Hà Tĩnh đã sáp nhập hệ thống trường giáo dục thường xuyên và trường hướng nghiệp dạy nghề, thống nhất với tên gọi Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên. Tuy nhiên, bước đi này một lần nữa không đưa lại kết quả khả quan.
Trung tâm Dạy nghề Hướng nghiệp và Giáo dục Thường xuyên Hương Khê năm 2014 được xây cơ sở mới, đóng trên xã Hương Bình với tổng vốn là 39 tỷ đồng. Năm đầu tiên tuyển được 138 học viên, trong khi chỉ tiêu đề ra mỗi khóa là trên 500 học viên. Vì vắng học sinh nên nhiều phòng đành bỏ không. Cũng năm học 2014, Trung tâm Dạy nghề Hướng nghiệp và Giáo dục Thường xuyên Vũ Quang chỉ còn 33 học sinh/19 phòng học.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án Trường Cao đẳng nghề Vũng Áng cũng thừa nhận lãng phí. Hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường nghề không có học viên, nguyên nhân chính là chưa nghiên cứu đúng thị trường. Do đó không thu hút được người học, tiền dự án bị cắt, công trình bị bỏ dở…
Nhà đầu tư “trăn trở” vì nguồn nhân lực
Những năm gần đây, Hà Tĩnh thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư vào năng lượng (điện mặt trời, điện gió, điện khí), nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục. Đặc biệt, Hà Tĩnh đang đi theo mũi nhọn phát triển du lịch. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực chủ động trong công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư để phát triển du lịch theo hướng hội nhập.
Với lợi thế có gần 137 km đường bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thạch Bằng, Thiên Cầm… Đây là đặc điểm tự nhiên “đất lành chim đậu” để những tập đoàn, nhà đầu tư thành đạt quay về quê hương đầu tư phát triển du lịch, tạo nguồn thu và công ăn việc làm cho địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Vabis - Hồng Lam Xuân Thành là chủ đầu tư dự án Hoa Tiên Paradise – Xuân Thành Golf and Resort theo mô hình nghỉ dưỡng homestay. Tuy nhiên, theo khảo sát của ông Mỹ, địa phương không đáp ứng được nguồn nhân lực làm việc chuyên môn về du lịch.
“Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho người dân quê hương nhưng lại không có giấy phép đào tạo nghề. Nếu phải tuyển nhân lực từ tỉnh khác về thì đây là một thiệt thòi lớn cho lao động địa phương”, ông Mỹ trăn trở.
Không chỉ riêng khu du lịch Hoa Tiên Paradise, mà trước đây nhiều khu du lịch khác như:
Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh; Quỳnh Viên Resort Hà Tĩnh… cũng phải tuyển nhân lực từ các tỉnh khác về làm việc vì lao động địa phương thường không có chuyên môn về du lịch. Điều này khiến các nhà đầu tư rất “trăn trở”, còn con em địa phương thì tiếc nuối vì mất cơ hội việc làm.
Hiện tại đội ngũ nhân lực hoạt động, kinh doanh trên lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ - Khách sạn ở Hà Tĩnh còn non yếu về nghiệp vụ chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về ngành du lịch chưa được chú trọng, nhất là đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng.
Nhiều con em trẻ tuổi ở Hà Tĩnh đang cầm trong tay những tấm bằng đại học, cao đẳng “danh giá” với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đành phải “treo bằng” đi xuất khẩu lao động, hoặc đổi nghề vì không tìm được công việc đúng ngành. Nhiều người xa xứ muốn quay về quê hương làm việc nhưng cũng đang băn khoăn, trăn trở vì chưa tìm được công việc ổn định.
Nhu cầu việc làm về lĩnh vực du lịch - dịch vụ - khách sạn ở Hà Tĩnh ngày càng nhiều, song đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức, trường nghề đầu tư hàng chục tỷ đồng bỏ hoang. Đây là một thiệt thòi lớn cho con em địa phương Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế.