Nét mới của kỳ thi năm nay, ngoài thanh tra Bộ, Sở GD&ĐT sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh.
Cơ sở để trường đại học tuyển sinh
TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) trao đổi: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi diễn ra vào tháng 8/2020, khi Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực, vì thế, việc đổi mới kỳ thi năm nay là phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và thực tiễn khách quan.
Theo TS Nguyễn Đắc Hưng, tên gọi thay đổi và nội dung kỳ thi cũng có một số thay đổi. Khi tính chất của kỳ thi thay đổi, ít nhiều sẽ tác động đến công tác tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù độ khó của đề thi năm nay có giảm hơn so với năm trước nhưng Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi vẫn bảo đảm những kiến thức cơ bản, có sự phân hóa, để phân biệt được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc.
“Việc tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng có tính độc lập tương đối so với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Dù mục đích chính không phải là “2 trong 1”: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để trường đại học, cao đẳng tuyển sinh; nhưng trên thực tế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có sự phân hóa để đáp ứng được yêu cầu này. Bằng chứng, nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi” – TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.
Điểm nhấn của kỳ thi là công tác thanh tra
Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, kỳ thi năm nay do các địa phương chủ trì. Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ trịch UBND tỉnh trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo thi. Do đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương sẽ rất nặng nề. Các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức coi thi, bảo đảm tính trung thực, khách quan và chính xác của một kỳ thi. Họ sẽ phải tổ chức, triển khai chặt chẽ các khâu: Từ in sao, vận chuyển đề thi, cho đến bảo quản bài thi, chấm thi… Nói chung, mọi quy trình phải được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và khoa học.
“Việc coi thi do địa phương chịu trách nhiệm. Đây được coi là một trong những khâu “quan trọng nhất” của kỳ thi. Do đó, các địa phương cần lưu ý: Giáo viên dạy môn nào, không được coi thi môn đó; giáo viên ở địa phương này sẽ sang địa phương khác để coi thi (tức là coi thi chéo nhau) để hạn chế thấp nhất tình trạng nhắc bài thi.
TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh: Nếu như năm ngoái, công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu trong ngành Giáo dục; năm nay thanh tra của các tỉnh phải vào cuộc, để hỗ trợ và giám sát công tác thi. Bộ GD&ĐT cần huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm của các trường đại học tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần làm tốt khâu tập huấn, để mỗi cán bộ thanh tra đều rõ việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời không gây áp lực đối với cán bộ coi thi và thí sinh.
Quy định đã rõ về trách nhiệm của từng cá nhân trong ban chỉ đạo, coi thi, chấm thi… nhất là Trưởng ban. Cần phân rõ trách nhiệm ở từng khâu, vị trí và từng cá nhân. Tất cả phải rõ ràng, minh bạch và làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. - TS Nguyễn Đắc Hưng