Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Tiếp cận với thế giới

Thứ bảy - 26/10/2019 08:03 455 0

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Tiếp cận với thế giới

GD&TĐ - Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động năng động của khu vực, thế giới, tránh bị thua ngay trên sân nhà, ngành Giáo dục cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ĐH) theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới.

Chất lượng là mục tiêu sống còn

Ở Việt Nam, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đại học (ĐH) đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu. KĐCLGD đã giúp cơ sở GD hướng tới đạt được những chuẩn mực chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội; giúp các nhà quản lý nhìn nhận toàn bộ hoạt động của cơ sở GD một cách có hệ thống, xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Kết quả KĐCLGD được công khai giúp cơ sở GD giải trình với xã hội, với các bên liên quan; giúp người học, phụ huynh lựa chọn được cơ sở GD phù hợp để theo học và là một trong những điều kiện để thực hiện tự chủ GDĐH theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Để tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo đảm và KĐCLGD được triển khai một cách ổn định và bền vững, trong những năm qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về lĩnh vực này từng bước được hoàn thiện theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế. Hệ thống bảo đảm và KĐCLGD ĐH ở Việt Nam dù mới được hình thành nhưng đã từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng.

Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đã được các cơ sở GDĐH quan tâm thực hiện. Tới nay, các cơ sở GDĐH đều thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng GD. Nhận thức về chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều cơ sở GDĐH coi chất lượng là mục tiêu sống còn của nhà trường.

Đối với bảo đảm chất lượng bên ngoài, cho đến nay, cả nước có 5 tổ chức KĐCLGD được thành lập và cấp phép hoạt động. Trong đó, 4 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập và 1 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép thành lập.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động KĐCLGD được quan tâm. Cả nước có 3 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng). Từ tháng 3/2014 đến nay, các cơ sở này đã đào tạo được 48 khóa, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho 1.436 người. Cục Khảo thí và KĐCLGD (nay là Cục Quản lý chất lượng) đã tổ chức tuyển chọn, cấp thẻ cho 346 kiểm định viên; trong đó có 9 người được đặc cách và 337 người đạt yêu cầu qua các kỳ tuyển chọn.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Tiếp cận với thế giới - Ảnh minh hoạ 2
 Chất lượng đào tạo là yêu cầu sống còn trong quá trình tự chủ ĐH

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Việc kiểm tra, giám sát, công khai điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được quan tâm. Khẳng định điều này, ông Lê Mỹ Phong cho biết, Bộ GD&ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; xây dựng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH để các trường kê khai thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng; yêu cầu các cơ sở GD công khai điều kiện bảo đảm chất lượng trong đề án tuyển sinh trước mùa tuyển sinh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cũng năm 2019, Ủy ban Văn hóa, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chọn “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và KĐCLGD ĐH” là một trong 2 chuyên đề để khảo sát trong năm; Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thanh tra theo kế hoạch đối với Trung tâm KĐCLGD – Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Trung tâm KĐCLGD – ĐH Đà Nẵng. Việc thanh tra này nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KĐCLGD, không phải là thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm.

Về cơ bản, các cơ sở GDĐH ngày càng chú trọng tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, quản lý tổ chức đào tạo ngày càng hiệu quả, việc quản lý nhà trường được tin học hóa và có nhiều mô hình tốt trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được lan tỏa.

Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ GD&ĐT đều đưa vào chương trình công tác nội dung kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm chất lượng và KĐCLGD; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra đột xuất về công tác này (khi có dấu hiệu vi phạm quy định của cơ sở GD qua phân tích dữ liệu; qua thông tin phản ánh trên phương tiện truyền thông và đơn thư của tổ chức, cá nhân). Năm 2018, Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của 23 trường ĐH, đồng thời kết hợp kiểm tra hồ sơ KĐCLGD của 9 cơ sở GD đã được đánh giá ngoài. Năm 2019, Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của 15 trường ĐH.

Chuyển trọng tâm sang đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo

Đề xuất phương hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản để có đủ hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác KĐCLGD theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, đáp ứng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống KĐCLGD ĐH cho giai đoạn sau 2020 theo hướng bảo đảm các nguyên tắc của KĐCLGD. Trong đó, tổ chức KĐCLGD độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý Nhà nước và với cơ sở GDĐH; chuyển trọng tâm sang đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển hệ thống KĐCLGD: Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo đảm và KĐCLGD; các tổ chức KĐCLGD; các đơn vị chuyên trách làm công tác bảo đảm chất lượng của các cơ sở GD; đội ngũ đánh giá viên, kiểm định viên. Xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo đảm và KĐCLGD đối với cơ sở GDĐH, trường CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm.

Cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và KĐCLGD. Khuyến khích các tổ chức KĐCLGD và các cơ sở GD trong nước tham gia các mạng lưới bảo đảm chất lượng quốc tế và khu vực ASEAN. Khuyến khích các cơ sở GD đăng ký đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo với các tổ chức đánh giá và KĐCLGD nước ngoài có uy tín, được Bộ GD&ĐT công nhận.
                                                                              Ông Lê Mỹ Phong 

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập541
  • Hôm nay16,786
  • Tháng hiện tại294,916
  • Tổng lượt truy cập51,650,875
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944