GD cách mạng không ngừng phát triển
Dưới đây là lời kể của “nhà giáo đi B” Phạm Hải Ấm về một thời làm giáo viên vùng giải phóng miền Nam:
“Đoàn giáo viên chúng tôi gồm 249 các nhà giáo ưu tú chi viện cho giáo dục miền Nam. Mỗi chi là một khung giáo viên trường sư phạm gồm đủ các bộ môn, nhằm đào tạo giáo viên cấp 1 và cấp 2 cho các tỉnh kết nghĩa. Chi của tôi là chi 3 do anh Phạm Hứa là Chi trưởng, kiêm Bí thư chi bộ.
Sau 6 tháng đi bộ vượt Trường Sơn dốc cao, suối sâu, muỗi, vắt. Bom đạn Mỹ thả dọc Trường Sơn, đặc biệt sốt rét ác tính đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh. Qua được Trường Sơn là điều kỳ diệu đối với chúng tôi.
Từ nơi tập kết của Tiểu ban Giáo dục Miền Nam ở vùng rừng núi chiến khu D (miền Đông Nam bộ), chúng tôi đi về khu 8 (Miền trung Nam bộ) đúng vào mùa nước. Chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ và khó khăn, vất vả khi phải lội qua những cánh đồng nước mênh mông.
Ba ngày lội qua cánh đồng Chó Ngáp, chân đạp phải gốc tràm tóe máu, đỉa Đồng Tháp lượn lờ tiếp tục thử thách chúng tôi. Giao liên đưa chúng tôi đến Tà Nu - nơi Tiểu ban Giáo dục khu 8 đóng quân.
Tiểu ban phân công anh Kán đi An Giang, anh Lãng đi Mỹ Tho và anh hy sinh tại Mỹ Tho. Các chị Năm Hiệp, chị Sanh, chị Cúc Son, chị Tám Hà – công tác vùng đô thị, tôi về Long An, chị Mỹ Dung ở lại Tiểu ban.
Có một điều thần kỳ, trong lịch sử thế giới hầu hết các nước chiến tranh là trường học đóng cửa. Ngược lại, ở Việt Nam chiến tranh vô cùng tàn khốc, ác liệt nhất trên hành tinh nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn tồn tại và không ngừng phát triển về mọi mặt. Nganh giáo dục với tư tưởng tấn công cao, dũng cảm, sáng tạo, dựa vào dân nên việc dạy và học vẫn được duy và phát triên.
Sau Mậu Thân Mỹ Ngụy tăng cường càn quyét đánh phá vào căn cứ của ta ngày một ác liệt hơn. Cứ một tiếng đồng hồ, pháo ở chiến hạm sông Tiền Giang lại bắn vào căn cứ. Mùa nước phải làm công sự bằng bao trấu. Mọi người ở đây đều phải biết bơi xuồng, việc đi lại rất gian nan. Ắy vậy mà phong trào giáo dục khu 8 vẫn phát triển rất sôi nổi.
Nhiều trường bổ túc văn hóa ở các địa phương và lực lượng vũ trang vẫn được mở ra. Chủ yếu là bậc Tiểu học, các cô giáo cũng chỉ mới ở trình độ lớp 3, lớp 4 học sư phạm cấp tốc 3 tháng về làm giáo viên tại thôn ấp.
Về tỉnh Long An tôi và cô giáo ba Ánh cùng dạy, ban ngày dạy học sinh thường là lớp ghép, buổi tối dạy bổ túc. Để có học sinh đến học, chúng tôi phải đến từng nhà dân vận động cho các em đi học, các em rất ham học, thích được nghe kể chuyện miền Bắc, nghe kể về Bác Hồ, rất thích học hát, múa. Có hôm, khi chúng tôi dạy học, bộ đội đứng xem như xem văn công biểu diễn.
Nhà giáo Phạm Hải Ấm |
Sau đợt công tác, tôi về Tiểu ban, hàng ngày ngồi viết tài liệu hướng dẫn cán bộ cơ sở ở nội thành dạy học, nhưng bằng cách viết, đặc biệt gọi là viết bạch, tức là viết bằng mực hóa học lên vỏ bao xi măng gói hàng, rồi gửi về nội thành. Người nhận sẽ xoa một chất hóa học, chữ viết sẽ nổi lên. Đó là những bài học về các môn xã hội theo sách dùng cho vùng giải phóng.
Năm 1970 thành lập trường Nguyễn Văn Bé, trường cho con em cán bộ trong khu. Tôi được phân công về dạy ở đây. Trường đóng tại dòng Duối ở sâu trên đất bạn Campuchia.
Chúng tôi vào phum sóc của người Campuchia xin tre nứa về làm nhà. Bà con rất tốt, họ cho nhiều tre nứa, gạo, gà ủng hộ quân giải phóng Việt Nam. Bù lại chúng tôi cho thuốc B1, thuốc ký ninh sốt rét, vậy mà uống vào bệnh gì cũng khỏi, bà con gọi chúng tôi là thầy thuốc Hà Nội. Họ còn cho các chị em gái làm lễ kết nghĩa với chúng tôi. Sau này, rất nhiều người bị Khơ Me đỏ giết hại nghĩ thật thương.
Mùa khô năm 1970, Mỹ ngụy mở một trận càn lớn nhằm đánh phá vào căn cứ của ta trên đất bạn Campuchia. Từ sáng sớm đã nghe dân kêu to: "Địch càn, xe zep tới. Lúc đó, nghe tiếng ù ù xe zep từng bầy như bọ hung đang tiến thẳng trực diện. Trên trời máy bay đủ loại như một bầy nhặng bay kín bầu trời.
Chúng tôi sợ quá, vác ba lô theo dân chạy thẳng vào rừng. Ba lô cồng kềnh quá, tôi và chị Tám Hồng (y sĩ của trường) quang ba lô vào bụi rậm, chạy thục mạng. Vừa mệt, vừa đói may được người dân cho bánh bò ăn. Hai đứa ngồi thu lu trong bụi rậm bàn nhau, nếu bị địch bắt thì khai thế nào. Tám Hồng bảo khai đi ở bế em. Tôi khai con em miền Bắc di cư cũng đi ở bế em. Chúng tôi bảo nhau nhớ khai không biết chữ nhé.
Đêm yên tĩnh, chúng tôi quay về, thật kinh khủng cả cánh rừng toàn những cây to bị bừa nằm rạp cả xuống. Hôm đó, chúng tôi chạy theo người dân, nếu chui hầm bí mật chắc sập hầm chết. Trận càn đó, xe chỉ huy của địch bị trúng đạn của ta nên chúng rút quân sớm. Khi hội quân cả trường an toàn.
Ngày 5/10/1970 tại Chi bộ Trường Nguyễn Văn Bé, tôi được kêt nạp vào Đảng, lớp Đảng viên Hồ chí Minh. Tôi đã thực sự trưởng thành, được tôi luyện trong chiến tranh, càng kiên định vững vàng hơn trong mọi thử thách.
Các cán bộ giáo dục tại chỗ và các cán bộ, giáo viên miền Bắc được Trung ương tăng cường đều đoàn kết thương yêu nhau. Cùng chia sẻ khó khăn, kiên trì, bám dân, bám lớp, bám chiến trường, công tác và chiến đấu.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng chục cán bộ trong khu đã hy sinh, nhiều giáo viên bị bắt, bị giam cầm, tù đầy tại nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, dù bị đánh đập, tra tấn nhưng các anh vẫn một lòng trung thành với Cách mạng.
"Trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi - những người làm công tác giáo dục đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung, giải phóng dân tộc, thống nhất đât nước. Qua đó, chúng tôi cũng học được tinh thần quả cảm anh dũng hy sinh của đồng bào miền Nam.
Được chứng kiến chung sống với đồng bào Nam Bộ, tôi càng thấy quí mến họ, những con người luôn thân thiện, cởi mở. Những năm tháng được sống và chiến đấu ở chiến trường Miền Nam mãi là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời tôi" - Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm.