Nhọc nhằn ‘cõng’ chữ
Vào một chiều cuối năm, sau vài tiếng đồng hồ di chuyển qua những cung đường uốn lượn, lởm chởm đá, có khi là dốc cao vời vợi từ thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) vào xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) chúng tôi mới tới được điểm trường Tiểu học Kim Đồng.
Nằm lẩn khuất giữa bản Đoàn Kết, ngôi trường hiện ra trước mắt chúng tôi là sự sập sệ, thiếu thốn. Tuy nhiên, bước đến cổng trường chúng tôi đã nghe thấy những tiếng ê a đọc bài văng vẳng vang lên ở các lớp học. Do có hẹn từ trước, nhưng các thầy cô chưa hết giờ dạy nên chúng tôi ngồi bên ngoài ngắm bản làng trong lúc chờ đợi.
Sau khi tiếng trống trường giục giã vang lên, những đứa trẻ đầu trần, chân đất, quần áo lấm lem chạy ùa ra khỏi phòng học như đàn kiến vỡ tổ. Còn các thầy cô sau khi thu gom đồ đạc, giáo án thì trở về khu nhà nội trú của giáo viên để chuẩn bị cho bữa cơm chiều đạm bạc.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Tạ Thị Lành (SN 1992, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk – lớp 1B) cho biết, sau khi tốt nghiệp ra trường cô nộp hồ sơ thi tuyển và “bén duyên” với ngôi trường này. Từ đó đến nay cô đã gắn bó được 6 năm với ngôi trường này với biết bao nước mắt và nụ cười.
Do nhà cách trường hơn 200km nên vài tháng hoặc cả năm cô mới về nhà được một lần. Tuy nhiên trước đây do đường sá xa xôi nên việc đi lại vô cùng khó khăn, vất vả bởi nắng thì bụi mù trời, mưa xuống thì con đường trở nên lầy lội, trơn trượt.
“Lúc ban đầu khi mới về trường tôi cảm thấy buồn và tủi thân lắm. Xa nhà, đường sá lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên khiến giáo viên trẻ như tôi thấy áp lực vô cùng.
Tuy nhiên, sau một thời gian bám trụ, tôi thấy các thầy cô khác cũng như mình, cũng làm được thì tại sao mình lại nản lòng. Bên cạnh đó, nhìn thấy các em học sinh nơi đây nghèo đói, thất học nên càng khiến tôi muốn bám trụ nơi đây để giúp các em có con chữ, sau này thay đổi cuộc sống. Cứ thế, mỗi ngày tôi và các giáo viên khác lại động viên nhau, đến nay tôi cũng đã có 6 năm gắn bó với căn nhà thứ 2 này”, cô Lành bộc bạch.
Những cái Tết xa quê
Sau giờ dạy trên lớp, các thầy cũng phụ vào bếp chuẩn bị bữa cơm muộn. |
Mặc dù điều kiện sống khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng các thầy cô nơi đây vẫn dốc hết sức mình để “cõng” con chữ đến gần hơn với các em học sinh. Những quãng đường vài chục hay vài trăm km cũng là gần so với những giáo viên sống xa gia đình hàng nghìn km với nỗi nhớ nhà da diết, cồn cào.
Với gương mặt gầy rộc, nước da hơi rám nắng, cô Nguyễn Thị Hà (SN 1985, quê Bắc Kạn) cho biết, nhà cô có 8 anh chị em, cô là con thứ 3 trong một gia đình ở vùng quê nghèo. Do đó, một số anh chị cô không được học hành đến nơi đến chốn mà người đi làm thuê, người ở nhà làm ruộng.
Tuy nhiên, bản thân cô đã vượt lên số phận, quyết tâm học lấy con chữ để thay đổi cuộc sống của mình. Do đó, từ ngày đi học cô đã ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng nên khi đậu đại học cô vừa học, vừa làm để tự nuôi sống mình mà không phụ thuộc vào bố mẹ, anh chị.
“Ban đầu khi biết tôi sẽ vào đây dạy thì bố mẹ có ý ngăn cản, nhưng khi thấy tôi yêu nghề và quyết tâm thì bố mẹ cũng đã động viên, ủng hộ con đường tôi đã chọn. Do nhà cách đây hơn 1.000km, tết lại được nghỉ ít nên suốt 4 năm giảng dạy tại trường tôi không về nhà.
Tết năm nay cũng như những năm trước tôi qua nhà họ hàng ăn Tết chứ không về quê được vì vé máy bay đắt đỏ, còn đi xe thì mấy ngày với đến nơi. Tết đến cận kề, nhà nhà, người người quây quần bên nhau tôi cũng nhớ nhà tủi thân lắm, nhưng cũng biết dặn lòng cố gắng đợi hè về thăm nhà 1 lần vì hoàn cảnh không cho phép”, cô Hà nghẹn ngào nói.
Thầy Hoàng Văn Quyết – Phó hiệu trường phụ trách trường Tiểu học Vừ A Dính (điểm trường Kim Đồng) cho biết, toàn trường có tổng cộng 20 thầy cô giáo và cán bộ. Trong đó, điểm trường Kim Đồng có 6 thầy cô giáo và cán bộ giảng dạy và hơn 250 học sinh.
Theo thầy Quyết, 6 thầy cô giáo tại điểm trường chủ yếu nhà ở xa, có giáo viên nhà cách trường hơn 1.000km nên cả năm mới về nhà một lần. Bên cạnh đó, đường đi lại của các thầy cô và học sinh vô cùng khó khăn, gian khổ đặc biệt là vào mùa mưa.
Ông Nguyễn Huy Công, chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, do các giáo viên ở xa nên trường có nhà công vụ để giáo viên ở lại. Bên cạnh đó, tại đây cũng có hệ thống lọc nước riêng để các thầy cô sử dụng.
Mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn và qua những lần khảo sát thấy cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp Phòng giáo dục đã có phương án sữa chữa để tạo điều kiện cho các giáo viên giảng dạy và học sinh học tập.
Khó khăn nhất hiện nay ở trường Kim Đồng là cơ sở vật chất và các công trình phụ trợ đã hư hỏng xuống cấp. Bên cạnh đó, các em học sinh trong địa bàn xã cũng có hoàn cảnh khó khăn. Không những thế các bậc phụ huynh bận đi làm nên không có thời gian quan tâm, chăm sóc con em mình.