Bởi thế, trước mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT luôn lưu ý các trường ĐH-CĐ cần chấm dứt trình trạng sử dụng các tổ hợp môn không phù hợp với ngành đào tạo mà dư luận vẫn hay gọi là tổ hợp lạ. Thế nhưng, qua thực tế công bố đề án tuyển sinh của nhiều trường gần đây cho thấy có khá nhiều nơi vẫn bỏ qua lưu ý này.
Theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từng công bố, ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô tuyển tổ hợp có hai môn Sử - Địa; Kỹ thuật Xây dựng xét tổ hợp có hai môn Sinh - Địa. Ở Trường ĐH Thành Đông, ngành Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật xây dựng sử dụng tổ hợp có cả môn Lịch sử, Ngữ văn. Trường ĐH Nam Cần Thơ, ngành Kỹ thuật môi trường xét tuyển tổ hợp Văn - Hóa - Sinh…
Sở dĩ các trường bỏ qua lưu ý của Bộ để xét tuyển thí sinh có thế mạnh các ngành khoa học xã hội vào học ngành khoa học tự nhiên, hoặc ngược lại nhằm tận dụng nguồn tuyển. Với cách thức đa dạng hóa tổ hợp này, các trường hy vọng gia tăng lượng thí sinh trúng tuyển, bảo đảm chỉ tiêu.
Tự chủ đại học, các trường có nhiều biện pháp khác nhau để hướng đến mục tiêu tuyển đủ. Tuy nhiên nếu tuyển đủ và không trúng thì hiệu quả đạt được cũng khó như mong muốn. Thực tế các mùa tuyển sinh gần đây cho thấy, số thí sinh chọn tổ hợp lạ rất hiếm. Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết năm 2018 và 2019, các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Các tổ hợp truyền thống với các môn thi có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, trường. Có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống nói trên. Hơn 140 tổ hợp còn lại chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.
Tổ hợp lạ đưa ra cũng không thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, đó là thực tế. Mà giả sử có trường nào đó cải thiện được nguồn tuyển bằng tổ hợp lạ thì tính bền vững của nguồn này cũng như hiệu suất đào tạo khó cao. Bởi vào ĐH chỉ là khởi đầu, còn tiếp theo là quá trình học tập và làm việc.
Không có được cái gốc cơ bản của các môn học liên quan, thí sinh sẽ vất vả gấp bội khi theo học ĐH. Trong số sinh viên bị đuổi học những năm gần đây có không ít em không theo hết chương trình vì không học tốt những môn không thuộc sở trường thời THPT. Trúng tuyển với tổ hợp lạ không chỉ bất lợi cho thí sinh mà cả uy tín của nhà trường cũng bị ảnh hưởng khi khó có thể đào tạo được nhân lực chất lượng cao.
Luật quy định các trường được bảo đảm quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình. Việc các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào, các trường sẽ phải làm rõ với cơ quan quản lý Nhà nước và trước xã hội.
Phù hợp hay không phù hợp, tính khoa học tới đâu hạ hồi phân giải nhưng có thể thấy việc xây dựng những tổ hợp môn xét tuyển không liên quan đến ngành đào tạo lợi ít hại nhiều, mất nhiều hơn được. Bởi nếu chỉ lo tuyển đủ đầu vào mà không quan tâm đến tương lai thí sinh, chất lượng và hiệu suất đào tạo không bảo đảm, hình ảnh, uy tín, thương hiệu của nhà trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.