Hội thảo do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm thiết lập, vận hành phòng tham vấn học đường từ các mô hình thành công đến các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học tại Hà Nội và các đơn vị quan tâm.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS tại Hà Nội thông qua xây dựng và vận hành mô hình phòng tham vấn học đường” được tài trợ và thực hiện bởi tổ chức Good Neighbors và tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc).
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hơn 2,2 triệu học sinh ở các trường học thuộc thành phố đã thích ứng linh hoạt, duy trì tốt việc học trực tuyến và bảo đảm nền nếp học tập.
Tuy nhiên, giáo viên và học sinh cũng gặp không ít khó khăn và áp lực. Trong đó, việc học sinh ở nhà học trực tuyến dài ngày có thể đối diện với một số nguy cơ như mệt mỏi, ít tương tác, giảm động lực phấn đấu, căng thẳng, lo âu...
Điều này cho thấy vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, vận hành phòng tham vấn học đường đối với học sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho học sinh, giúp các em học tập tốt và phát triển toàn diện.
Thực tế tại Hà Nội, hầu hết các nhà trường đều đã có phòng hoặc góc tham vấn học đường. Tuy nhiên, hiệu quả công tác vận hành, tổ chức các hoạt động tham vấn còn hạn chế.
Ý kiến của đại diện một số đơn vị, nhà trường đã triển khai xây dựng, vận hành phòng tham vấn học đường đã làm rõ thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động tham vấn đối với học sinh và cả cha mẹ học sinh, giáo viên.
Đồng thời, các đại biểu có chung nhận định, mô hình phòng tham vấn học đường là cần thiết và rất quan trọng đối với học sinh hiện nay và chia sẻ về cách thức thu hút học sinh đến với phòng tham vấn; công tác hỗ trợ học sinh; việc bồi dưỡng nhân sự làm công tác tham vấn...
Tại hội thảo, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện công tác xã hội trong trường học giai đoạn 2021-2025, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức các hoạt động tham vấn tâm lý. Đồng thời, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tham vấn; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong công tác này.