Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo, chuyên viên các Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT).
Nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Bắc Giang, đến ngày 26/11, toàn ngành có 34 học sinh (HS) và 1 giáo viên (GV) mắc Covid-19. 53 trường học chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến; 154 trường tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đến nay, toàn tỉnh có 56.240 học sinh THPT và 26.855 giáo viên đã được tiêm phòng.
Mỗi trường tổ chức phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương gồm trực tuyến, trực tiếp và trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Ở mô hình dạy học kết hợp, ngành Giáo dục chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục xây dựng ở mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến, kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp HS nghỉ học do cách ly vẫn theo kịp tiến độ chương trình. Ngành Giáo dục triển khai đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ HS học tập từ xa như dạy học trên truyền hình, dạy học qua Youtube, Zalo, Microsoft Teams...
Thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng chống dịch Covid-19, cô giáo Trần Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cảnh Thuỵ, huyện Yên Dũng, cho biết, đến nay nhà trường có 2 lớp 3C, 3B đang dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến do có HS F2 học tại nhà; 2 lớp 2B, 5A dạy học trực tuyến.
Khi lớp 3C, 3B học trực tiếp, GV lắp camera, micro tại lớp để mở phòng học ảo. HS trong khối học tại nhà sẽ đăng nhập vào phòng học ảo của 2 lớp này. HS học online có thể phát biểu ý kiến, tương tác, chơi trò chơi cùng bạn bè trên lớp.
Linh hoạt phương án dạy học, các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 và triển khai CT GDPT 2018. Theo đó, từ tháng 8/2021, ngành Giáo dục phối hợp với các nhà xuất bản hoàn thành tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình, SGK.
Các phòng GD&ĐT đã thành lập tổ cốt cán để hỗ trợ GV trong giảng dạy. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học rộng khắp từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp, trực tuyến để tháo gỡ các khó khăn cho GV. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tham gia giảng dạy ở lớp 2, 6 để nắm bắt, kịp thời phát hiện khó khăn, hỗ trợ GV.
Cô giáo Ninh Thị Thiềng, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Nham Biền 1, huyện Yên Dũng, cho biết: “Sau 12 tuần học, GV đánh giá sách giáo khoa mới ý nghĩa, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất. HS hào hứng trước mỗi giờ học vì sách có nhiều hình ảnh sinh động, bài học vận dụng vào thực tế. Ví dụ, ở môn Toán, HS biết ứng dụng tính diện tích vào đo đạc, biết làm bài toán kinh tế gia đình”.
Còn cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên, huyện Yên Dũng, chia sẻ trước khi triển khai CT GDPT 2018, HS nhà trường nhút nhát, ít nói. Phụ huynh tỏ ra lo lắng vì chỉ quen chương trình hiện hành. Do đó, nhà trường liên tục làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, HS.
Sau 2 năm triển khai, GV nhận thấy, HS lớp 1, 2 đã mạnh dạn, tự tin, chủ động hơn trong học tập. Phụ huynh chuyển từ băn khoăn sang tin tưởng thầy cô, nhà trường và ủng hộ CT mới.
Chủ động phương án dạy học với tình hình thực tế
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự linh hoạt, chủ động của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang khi thực hiện nhiệm vụ kép và triển khai CT GDPT 2018. Thứ trưởng đồng thời đánh giá cao việc tổ chức các phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đặc biệt mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đơn cử, dù tình hình dịch diễn biến phức tạp, Trường THCS Thị trấn Nham Biền 1, Trường Tiểu học Cảnh Thuỵ cùng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt phương án dạy học. Giáo viên được trang bị thiết bị công nghệ để tổ chức dạy học kết hợp tại lớp, dạy học trực tuyến. Nhà trường khẩn trương xây dựng kế hoạch giáo dục để đối phó với điều kiện bất thường.
Thứ trưởng đề nghị ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, kết hợp đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của CBQL, đội ngũ GV về CT GDPT 2018. Mỗi thầy cô cần nắm chắc những khác biệt giữa CT hiện hành và CT GDPT 2018, giảng dạy gắn với thực tiễn để nâng cao năng lực phẩm chất cho HS.
Bên cạnh đó, nhà trường cần chuyển từ đào tạo số lượng sang chú trọng chất lượng, trong đó mục tiêu chất lượng phải đặt lên hàng đầu; đồng thời, kết hợp với hai mục tiêu quan trọng khác là an toàn về phòng dịch và hoàn thành mục tiêu chương trình.
Để chuẩn bị tốt cho CT GDPT 2018 trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị CBQL, GV tăng cường rà soát, đề xuất lên Phòng, Sở tuyển chọn, bố trí GV. Tiếp tục bổ trợ cho HS lớp 5 lên lớp 6, HS lớp 9 lên lớp 10 và chuyển giao sách giáo khoa lớp 6 về các cơ sở giáo dục tiểu học để thầy cô nắm bắt việc triển khai CT. Song song, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ GV đáp ứng chuẩn yêu cầu đào tạo.
Nhấn mạnh yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là giáo viên, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục tạo động lực tốt nhất, tạo văn hóa học đường, môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo để GV hoàn thành công việc. Đổi mới công tác quản trị trường học, phân biệt quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.
Song hành cùng thuận lợi, ngành Giáo dục Bắc Giang đứng trước một số khó khăn. Do dịch Covid-19, các hoạt động thể dục, thể thao cấp tỉnh không thể tổ chức. Việc sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất thiết bị đồ dùng dạy học, thực hành của các đơn vị hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ GV trên lớp ở cấp tiểu học còn thấp; một số địa phương khó khăn bố trí GV dạy các môn tích hợp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngành Giáo dục Bắc Giang bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022 và thuận lợi triển khai CT GDPT 2018.