Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế, trong nước; cán bộ quản lý, nhà giáo đến từ một số địa phương; các trường đại học; chuyên gia về giáo dục quốc tế và trong nước. Hội thảo có phiên toàn thể, thảo luận bàn tròn và các phiên song song.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Hội thảo rất quan trọng và ý nghĩa đối với ngành Giáo dục (GD), trong đó có vai trò của khoa học GD trong bối cảnh đổi mới căn bản GD-ĐT. Cần có những nghiên cứu hệ thống, đầy đủ và thực chứng về hệ thống khoa học giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030. Cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ thêm những vấn đề lớn của khoa học giáo dục vừa bổ sung thêm lý luận cho khoa học giáo dục, vừa đáp ứng được những nghiên cứu chỉ đạo của ngành.
Báo cáo đề dẫn của GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho biết: Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã hỗ trợ, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho thực hiện đổi mới giáo dục. Khoa học Giáo dục (KHGD) cũng đã góp phần vào thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở tất cả các cấp bậc học và trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học GD cũng còn những hạn chế trong vai trò định hướng, dẫn đường cho đổi mới, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho định hướng, giải pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển GD.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của công nghệ số, bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bối cảnh thế giới đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… (trong đó có những thách thức chưa từng có như dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra). Tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục, ngành giáo dục bắt đầu giai đoạn mới - thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đánh giá những thành tựu KHGD trong khoảng 10 năm qua, đóng góp của KHGD vào đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; những thuận lợi, cũng như những khó khăn, hạn chế đối với phát triển KHGD; qua đó đề xuất định hướng, các giải pháp phát triển KHGD trong giai đoạn tới. Diễn đàn là dịp để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp.
Với gần 50 báo cáo khoa học của các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia trong nước, các cán bộ quản lí, nhà giáo. Nội dung tập trung vào các vấn đề:
Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong nghiên cứu KHGD; phân tích nguyên nhân của những hạn chế bất cập. Trong đó bên cạnh trao đổi những vấn đề chung, một số báo cáo đề cập tới thực tiễn ở một số đơn vị nghiên cứu, nhà trường; Một số nghiên cứu đã đề cập tới cơ chế chính sách nghiên cứu KHGD; Trao đổi về xu thế phát triển GD quốc tế, GD nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi thế giới tiến tới một tương lai công bằng, bình đẳng và bền vững hơn – giáo dục vì tương lai; Trao đổi chiến lược, kinh nghiệm phát triển GD của một số nước.
Thông qua phiên chung, Hội thảo đã đánh giá khái quát những thành tựu KHGD, định hướng chung về phát triển giáo dục, nghiên cứu KHGD trong giai đoạn tới. Ở 4 phiên song song tập trung vào một số lĩnh vực: Tiếp cận và công bằng trong giáo dục; Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời; Chính sách và dự báo GD; Nghiên cứu cơ bản về KHGD.
Các phiên đều hướng tới mục tiêu đánh giá những thành tựu, đóng góp của KHGD; những thuận lợi, những khó khăn, hạn chế đối với phát triển KHGD trong thời gian qua; phát triển GD và yêu cầu đặt ra với KHGD trong giai đoạn tới. Xác định định hướng, những vấn đề nghiên cứu KHGD cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu KHGD, để KHGD phát triển, tiếp tục góp phần đổi mới GD.