“Nhìn các em thi trực tiếp hồi hộp hơn”
Nhiều năm tham gia huấn luyện, dẫn đoàn dự Việt Nam tham gia thi Olympic Toán quốc tế, TS Lê Bá Khánh Trình (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết với ông có rất nhiều kỷ niệm. Đặc biệt là 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ thi Olympic Toán quốc tế có sự thay đổi. Thay vì có mặt tại quốc gia đăng cai để dự thi, các thí sinh Việt Nam dự thi ngay trong nước bằng hình thức trực tuyến.
“Ở đợt dịch Covid-19 năm ngoái (2020), kỳ thi Olympic Toán quốc tế diễn ra tại Nga. Lúc đầu Ban tổ chức dự định thi vào tháng 7 nhưng do dịch Covid-19 nên kỳ thi được lùi lại tháng 9, rồi sau đó thì kỳ thi diễn ra bằng hình thức trực tuyến.
Thời điểm này, tôi vẫn ra Hà Nội được, để tập huấn cho các em. Lâu nay tôi chỉ dẫn các em đi thi và đứng bên ngoài hồi hộp chờ các em thi xong ra báo cáo kết quả thôi. Tuy nhiên năm ngoái, tôi phải làm thêm nhiệm vụ là giám thị, phải ngồi bên cạnh các em. Nói chung đây là nhiệm vụ giám thị... bất đắc dĩ..." - TS Lê Bá Khánh Trình cho biết.
Theo TS Lê Bá Khánh Trình làm giám thị bất đắc dĩ không dễ chịu chút nào. Vì ở trong phòng thi khi mà nhìn thấy các em cau mày nhăn nhó, “vò đầu bứt tai” thì bản thân mình là người hướng dẫn các em càng hồi hộp và thêm phần lo lắng. Còn khi thấy những em làm mà xin giấy nhiều thì mình cảm thấy vui vui vì nghĩ các em làm bài được.
“Việc chấm thi thì cũng chỉ trao đổi với Ban tổ chức qua chat trực tuyến, không được ngồi tranh luận trực tiếp như những lần thi trước nên không vui và hào hứng cho lắm” - TS Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.
TS Lê Bá Khánh Trình cho biết, năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 căng hơn nên ông đề nghị cho phép thí sinh Phan Huỳnh Tuấn Kiệt là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM được thi tại địa phương, thay vì phải di chuyển ra Hà Nội thi tập trung cùng cả đội.
Sau đó, Bộ đã đồng ý để em Kiệt thi tại TPHCM. Phòng thi được Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ các yếu tố khách quan như bố trí camera, thư ký, giám thị trong nước (là ông) và giám thị quốc tế.
“Đối với tôi, đây là lần đâu tiên làm giám thị một kỳ thi Olympic quốc tế ngay gần nhà mình. Vì từ nhà tôi sang Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khoảng 15 phút đi xe. Trước đây toàn đi xa lắc xa lơ, đi qua nước khác. Thi trực tuyến thì chúng tôi mất cơ hội giao lưu, gặp gỡ với các đội tuyển của các quốc gia khác.
Tuy nhiên trong điều kiện dịch Covid-19 mà tổ chức được kỳ thì cũng là tốt lắm rồi. Hy vọng năm tới mọi thứ diễn ra bình thường trở lại, để mấy em có cơ hội giao lưu và hào hứng hơn…” - TS Lê Bá Khánh Trình bày tỏ.
“Mong muốn đội tuyển có sự ổn định và bứt phá hơn”
Theo TS Lê Bá Khánh Trình, năm 2021, công việc tập huấn cho đội tuyển của ông cũng diễn ra theo hình thức trực tuyến. Lần đầu tiên dạy tập huấn qua internet ông thấy rất vui. Đặc biệt, ông rất phấn khởi với trường hợp em Đinh Vũ Tùng Lâm (học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
“Năm trước, em Lâm có dự thi nhưng không được huy chương gì cả, đồng thời tâm lý em hơi yếu.
Tuy nhiên, năm nay tập huấn mặc dù qua internet nhưng tôi thấy tâm lý Lâm rất vững. Bài nào Lâm cũng xung phong lên giải… và đạt kết quả rất tốt.
Sau kỳ thi vừa qua, Lâm đạt Huy chương bạc. Thú thật khi thấy em vào đội tuyển tâm lý tôi cũng lo, không biết sẽ như thế nào. Do đó với thành quả mà Lâm đạt được cá nhân tôi rất phấn khởi…” - TS Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.
Trong gần 10 năm (từ 2012) tham gia dẫn đoàn dự thi Olympic Toán quốc tế, TS Lê Bá Khánh Trình cho rằng điều ông mong muốn là sự ổn định nội lực của đội tuyển. “Tôi muốn có sự ổn định như mình phải thường xuyên nằm trong tốp 10 chẳng hạn hoặc nâng lên. Vì hiện chúng ta lúc thì ở tốp 10, lúc thì tốp 15, lúc thì tốp 20 nên cũng còn phập phù…” - TS Trình bày tỏ
Bên cạnh đo, ông cũng mong muốn việc quan tâm, đầu tư cho các em học sinh giỏi được đồng đều hơn.
“Tôi cảm nhận, việc đầu tư cho học sinh giỏi ở các tỉnh thành hiện nay chưa đồng đều. Ở các tỉnh thành khu vực miền trung, miền bắc thì từ phụ huynh đến nhà trường có vẻ quan tâm quyết liệt và tha thiết hơn; còn các tỉnh khu vực phía nam thì có vẻ bình bình hơn, phụ huynh và nhà trường không quá đặt nặng vấn đề này.
Do đó làm sao có sự khuấy động hoạt động này được đều hơn ở khắp cả nước. Cùng với đó là cơ chế, động viên khuyến khích các em tham gia. Từ đó tạo cơ hội và động lực để nhiều em tham gia hơn. Như vậy, tôi nghĩ hằng năm sẽ có thêm nhiều em giỏi…” - TS Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.