Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp”

Thứ hai - 30/08/2021 20:51 300 0
GD&TĐ - Giữa mênh mông cao nguyên “18 quả đồi bát úp” ở miền biên viễn cực Tây Tổ quốc, Trường Mầm non Si Pa Phìn như một quần thể những khu vườn cổ tích thu nhỏ, mỗi ngày ríu rít tiếng trẻ thơ…
Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp”

Thủa còn đi gọi trẻ

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 2
Có người dân, có trẻ, những điểm trường bắt đầu được gây dựng giữa núi đồi biên viễn. Ảnh: NVCC

Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) được cắt nghĩa là vùng đất 18 bãi bằng. Một số người già ở đây cho rằng, đó là cái tên chỉ 18 quả đồi bát úp, nằm rải rác trên vùng đất biên cương cực Tây của Tổ quốc.

Xưa kia, đây là vùng đất hoang sơ vắng bóng người. Cả một miền biên cương rộng lớn chỉ có đồi núi trập trùng với gió Lào, nắng rát cùng một vài tàn tích hoang phế, là sân bay dã chiến và các lô cốt mà người Pháp để lại sau chiến tranh.

Theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, năm 1973, 15 hộ đồng bào dân tộc Mông đầu tiên tới Si Pa Phìn sinh sống và khai hoang. Về sau, dân cư đông đúc dần lên. Có người dân, có trẻ, những lớp học bắt đầu được gây dựng.

Là 1 trong những người đầu tiên “góp sức” cho giáo dục mầm non ở đây, cô giáo Lò Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Si Pa Phìn kể lại: Trường được thành lập từ cuối năm 2006, thì năm 2007 cô vào nhận công tác. Lúc đó trường nằm trong điểm bản Tân Lập, cách trung tâm xã gần 6km. 100% lớp học ở điểm bản là nhà gỗ đơn sơ.

Trong kí ức cô Hà vẫn nhớ như in những ngày phải leo đồi, dong ruổi khắp các bản làng, tìm gặp từng gia đình để vận động phụ huynh, gọi trẻ ra lớp.

“Ở đây đa phần là đồng bào dân tộc Mông và Thái. Thời đó, nhận thức của bà con còn hạn chế. Họ cứ nghĩ phải 6 tuổi mới đến trường, chứ trẻ vài ba tuổi thì biết gì mà học. Nên giáo viên mầm non phải kiên trì đi lại, vận động, giải thích nhiều lần mới có học sinh” – cô Hà tâm sự.

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 3
Những ngày đầu tạo dựng trường, lớp ở Si Pa Phìn đầy gian khó. Ảnh: NVCC

Ở vùng cao, cuộc sống gắn liền cây ngô, cây lúa, nên toàn bộ thời gian ban ngày người dân ở trên nương. Mùa gió lào, nắng “cháy da thịt”, cũng như nhiều giáo viên ở đây, cô Hà lên nương cùng lao động với phụ huynh. Rồi tranh thủ vài phút nghỉ trưa hiếm hoi để tâm sự, trò chuyện.

Lâu dần, hiểu được sinh hoạt, tập quán của bà con, cứ mặt trời xuống núi, giáo viên lại lên đường đi gọi trẻ. Nhiều giáo viên chia sẻ: Ám ảnh nhất là những đêm đông, ở vùng cao sương núi rơi dày đặc. Đôi chân “cước” tấy đỏ vì giá lạnh, nhưng vẫn phải bấm chặt xuống mặt đường để đi.

Lạnh giá, sợ hãi, nhiều cô chỉ dám khóc khi đã về phòng. Thế nhưng, sớm hôm sau lên lớp, thấy trò có mặt đông đủ, cô – trò lại say sưa với những bài học mới…

Biến “trở lực” thành động lực

Tháng 8 hàng năm là thời điểm “bắt tay” vào công cuộc dọn dẹp, sửa sang trường lớp, sẵn sàng đón học sinh. Với gần 40 giáo viên Trường Mầm non Si Pa Phìn, hình ảnh cụ ông Vàng Văn Giang, bản Tân Lập, trong một buổi tu sửa lớp học vào tháng 8/2020 đã để lại nhiều xúc động.

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 4
Hình ảnh cụ ông Vàng Văn Giang "góp sức" tu sửa điểm trường Tân Lập là minh chứng cho sự thay đổi tư duy của người dân đối với việc học của con, em vùng cao. Ảnh: NVCC

Cô Hà kể: Ông Giang có cháu là Vàng Minh Tiệp đang theo học tại điểm bản Tân Lập. Năm học trước, lớp học bị gió làm cho tốc mái, hư hỏng một số vật dụng. Mặc dù đã gần bước sang tuổi 80, nhưng khi thấy các cô giáo vất vả, ông đã nhiệt tình lên hỗ trợ.

“Nhìn cụ già tóc bạc trắng, lom khom, lúc đầu giáo viên cũng e ngại lắm. Nhưng thấy cụ rất nhiệt tình, hồ hởi cùng mọi người, nên chúng tôi rất xúc động. Cũng chỉ dám cho cụ làm các việc nhẹ, đơn giản. Quan trọng là hiểu được tình cảm của bà con với mình” – cô Hà bộc bạch.

Còn theo ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, thì sự thay đổi này là nhờ nỗ lực của chính các thầy cô giáo. “Trước đây, bà con chỉ tập trung lo làm ăn, nên con cái thường bỏ mặc ở nhà tự chơi, tự chăm nhau. Vì vậy, một trong những khó khăn đặc thù của giáo dục ở đây đến từ chính nhận thức của phụ huynh” – ông Hòa cho hay.

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 5
Ý thức của phụ huynh từng là "trở lực", nhưng giờ đây đã trở thành động lực để thúc đẩy giáo dục địa phương phát triển. Ảnh: NVCC

Ông Hòa cũng chia sẻ thêm, những năm gần đây người dân đều hiểu được lợi ích khi cho con đến lớp. Phụ huynh có thời gian tập trung lao động sản xuất, lại yên tâm vì con em được chăm sóc, phát triển toàn diện. Vì thế, trẻ trong độ tuổi mầm non đều đến trường đầy đủ.

“Không chỉ tạo mọi điều kiện cho con đến lớp đầy đủ, phụ huynh còn nhiệt tình tham gia vào mọi hoạt động của các nhà trường, đóng góp công sức để tạo dựng lên những ngôi trường đẹp hơn” – ông Hòa nói.

Mỗi điểm trường là một “vườn cổ tích”

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 6
Mỗi điểm trường ở Si Pa Phìn đều được tạo dựng thành một khu vườn cổ tích thu nhỏ. Ảnh: NVCC

Trường Mầm non Si Pa Phìn hiện là nơi theo học của gần 600 trẻ con em các dân tộc Mông, Thái... Trường có 1 điểm trung tâm và 10 điểm lẻ, nằm rải rác ở các bản.

Cô Hà cho biết: Để thu hút trẻ vui vẻ đến lớp, việc tạo dựng cảnh quan hấp dẫn, gần gũi với lứa tuổi học sinh đã được nhà trường coi trọng nhiều năm nay. Làm sao để mỗi điểm trường phải trở thành một “vườn cổ tích”.

Mỗi cô giáo tự trở thành “nhà thiết kế” để lên ý tưởng sáng tạo cho mình. Trên cơ sở đó, sẽ đi tìm và huy động sự hỗ trợ, chung tay của các bậc phụ huynh.

“Khi chúng tôi phát động, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình lắm. Họ sẵn sàng xuống suối nhặt sỏi, đá; thu gom vỏ chai nhựa, lốp xe cũ…; rồi cùng giáo viên cắt ghép, tô màu để tạo ra các sản phẩm đồ chơi cho trẻ. Thậm chí, nhiều nhà có gỗ, tre thừa sẵn sàng thiết kế thú nhún, hình thù các con vật để tạo dựng khuôn viên vườn trường” – cô Hà cho biết.

Ngôi trường hạnh phúc trên cao nguyên “18 quả đồi bát úp” - Ảnh minh hoạ 7
Không chỉ cô, trò, mà nhiều phụ huynh hạnh phúc khi con em mình đến trường, đến lớp. Ảnh: NVCC

Giờ đây, không chỉ ở trung tâm, 100% điểm trường mầm non đều được thiết kế, trang trí như một vườn cổ tích thu nhỏ. Những hình ảnh mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích tạo ra từ nguyên liệu đơn sơ, nhưng được tô điểm bằng những gam màu tươi sáng, thu hút sự tò mò, khám phá ở trẻ.

Cứ thế mỗi ngày lên lớp của cả cô và trò đều trở nên thú vị hơn. Và đúng như chia sẻ của ông Chủ tịch xã, thì ở Si Pa Phìn, lớp học mầm non luôn là điểm sáng nổi bật nhất, giữa điệp trùng đồi núi.

Còn với các cô giáo ở miền biên viễn này, những lớp học đủ đầy, vang tiếng trẻ thơ mỗi ngày là niềm hạnh phúc, để họ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, kiên trì bám bản đưa những chuyến đò xuôi ngàn…

Cô Lò Thị Hà chia sẻ: “Mỗi địa phương một đặc thù, và sẽ có những tiêu chí, hoạt động khác nhau. Nhưng dù ở đâu, thì trường học hạnh phúc, không có nghĩa chỉ cô, trò hạnh phúc, mà chính các bậc phụ huynh cũng phải hạnh phúc. Chỉ có như vậy, mới tạo dựng nên môi trường tốt nhất, giúp trẻ phát triển toàn diện”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập340
  • Hôm nay25,191
  • Tháng hiện tại303,321
  • Tổng lượt truy cập51,659,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944