Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo

Thứ hai - 30/08/2021 20:50 537 0
GD&TĐ - Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là bắt buộc.
Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng trong triển khai. Làm sao để xây dựng được kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS) là mối quan tâm lớn của các nhà trường hiện nay.

Bản sắc riêng

Theo Công văn 791/HD-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là một trong 8 đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng chương trình nhà trường.

Tiếp cận với chương trình nhà trường khi khái niệm này còn rất mới mẻ ở nước ta, trong bối cảnh cả nước vẫn thực hiện một chương trình quốc gia tập trung hóa cao độ, quy định chi tiết về từng bài học cụ thể, thời gian dạy học cho mỗi bài… Ban giám hiệu Trường Nguyễn Tất Thành đã thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới hoạt động dạy học, giáo dục theo hướng phát triển tối đa tiềm năng của HS, đồng thời cũng mở cánh cửa tư duy sáng tạo, tinh thần học tập không ngừng cho mỗi thầy cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: Chương trình nhà trường đã tạo nên bản sắc của Trường Nguyễn Tất Thành, tạo cơ hội để phát triển phẩm chất, năng lực HS, trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình quốc gia vào trường phổ thông cho giáo viên (GV) ở tất cả bộ môn.

Qua từng năm học, các vấn đề giáo dục tiếp tục được tìm hiểu, triển khai, tổng hợp, đánh giá, tổ chức hội thảo, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, minh chứng kết quả học tập và giáo dục toàn diện của HS từ các nguồn đánh giá trong và ngoài khác nhau… Chính vì vậy, chương trình không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và ngày càng thể hiện vai trò, hiệu quả trong việc dạy học, tạo uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Năm học 2019 - 2020, chương trình nhà trường được Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành rà soát, thiết kế thành các chủ đề dạy học. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực HS, nội dung dạy học tiếp tục được tổ chức lại, tăng tính liên thông, phối hợp, liên môn, xuyên môn. HS được phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó tự tìm ra kiến thức mới trên cơ sở nguồn tài nguyên học tập đa dạng do GV cung cấp. Nhờ đó phát triển khả năng tự học, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác giữa các HS.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: Xây dựng chương trình nhà trường trong bối cảnh mới trở thành nội dung sinh hoạt của tổ chuyên môn, thành nhiệm vụ trọng tâm của toàn trường. Các tổ chuyên môn đã tìm thấy cơ hội “hợp tác”, “tích hợp” để cùng nhau xây dựng chủ đề học tập liên môn.

Các buổi sinh hoạt chuyên môn sâu về nội dung, rộng về phạm vi để cùng thiết kế chủ đề dạy học tích hợp liên môn đã tạo điều kiện để mỗi GV bước ra khỏi lĩnh vực riêng của mình. Họ có thể dễ dàng nhìn thấy bức tranh tổng thể về toàn bộ chương trình nhà trường và hoạt động giáo dục, “trực quan” đóng góp của bộ môn mình phụ trách trong việc xây dựng nên chân dung tổng thể của HS Trường Nguyễn Tất Thành với những phẩm chất và năng lực cụ thể.

Thực hiện chương trình nhà trường trong bối cảnh mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS cũng đặt ra yêu cầu cung cấp các phương tiện dạy học để hỗ trợ GV và HS giảng dạy và học tập tốt nhất. Cô Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Nhà trường đã trang bị cho toàn bộ GV, HS tài khoản Office 365. GV Trường Nguyễn Tất Thành có một hành trình trải nghiệm học tập tích cực, thú vị với các tính năng phong phú của bộ công cụ Office 365 với nhiều tiện ích thiết thực.

Với Trường Tiểu học và THCS Ea Trol, Sông Hinh, Phú Yên, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là việc mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Cô Trần Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học cho hay: Khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, căn cứ Kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh ban hành và Chương trình của Bộ GD&ĐT, Ban giám hiệu cùng bộ phận chuyên môn, mà nòng cốt là các tổ trưởng chuyên môn đã được tập huấn tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Quá trình thực hiện sẽ linh hoạt, nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành chương trình theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học. Đơn cử, mùa mưa, HS không thuận lợi học môn Giáo dục thể chất ngoài trời, giáo viên có thể đề xuất tổ trưởng, Ban giám hiệu tăng số tiết các môn học khác và mùa nắng sẽ tăng số tiết học môn Giáo dục thể chất.

“Triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cho năm học tới, dù UBND tỉnh chưa ban hành kế hoạch thời gian của năm học 2021 - 2022, trường đang nghiên cứu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giao 5 tổ trưởng chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cấp tổ nghiên cứu chương trình tổng thể và chương trình môn học, nội dung giáo dục địa phương theo từng khối lớp. Sau đó, giáo viên cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất và xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục (phân phối chương trình)” - cô Trần Thị Hoa cho hay.

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh khối THCS Trường Nguyễn Tất Thành tự tin thuyết trình bằng Tiếng Anh. Ảnh: TG

3 bước xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là đơn vị được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng mô-đun 4 cho GV - “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS tiểu học/ THCS/ THPT”.

Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS ở trường THCS, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ quy trình 3 bước. Theo đó, bước 1: Xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học. Bước 2: Tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch giáo dục theo khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình. Bước 3: Hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và ban hành thực hiện kế hoạch.

Căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm của Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức họp các thành phần liên quan để xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương (gọi chung là môn học), bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình.

Chương trình mỗi môn học ở khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Yêu cầu khi xây dựng cần đảm bảo phù hợp với đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 cấp THCS; phân tích các điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình; xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường trong năm học; xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học.

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo - Ảnh minh hoạ 3
Gợi ý khung kế hoạch giáo dục nhà trường cấp THCS theo tài liệu tập huấn của Trường ĐHSP 
– ĐH Đà Nẵng. 

Giáo viên đóng vai trò quan trọng

Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hàng năm của sở GD&ĐT, hiệu trưởng tổ chức họp các thành phần liên quan để xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương (gọi chung là môn học), bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Chương trình mỗi môn học ở khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Yêu cầu khi xây dựng cần bảo đảm phù hợp với đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 cấp THCS; phân tích các điều kiện thực tiễn; xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường trong năm học; xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học.

“GV đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đó là lực lượng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch; là người trực tiếp thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, họ là người phối hợp với các lực lượng giáo dục thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục đã ban hành. GV cũng trực tiếp đánh giá hiệu quả của kế hoạch giáo dục từng năm, đề xuất thay đổi cho phù hợp.

Vì vậy, GV cần có hiểu biết về những định hướng, quan điểm mới trong Chương trình GDPT tổng thể cũng như chương trình môn học mình phụ trách; chủ động xây dựng kế hoạch của cá nhân để thực hiện chương trình GDPT theo kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và của nhà trường” - PGS.TS Lưu Trang lưu ý thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch giáo dục của nhà trường, hàng năm báo cáo sở GD&ĐT (với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT) và phòng GD&ĐT (đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) trước khi bắt đầu năm học mới.

Ngày 23/6/2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022. Trong đó có lưu ý, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với HS.

Hiểu biết sâu sắc về mục tiêu dạy học, nội dung học tập, HS, về khả năng và giới hạn của các phương tiện dạy học… trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo cảm hứng sáng tạo, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, đem lại những khởi sắc trong hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường. Kế hoạch dạy học các môn học luôn được tổ chuyên môn điều chỉnh sau mỗi năm học, đi đôi với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học. - Cô Nguyễn Thị Thu Anh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập729
  • Hôm nay36,756
  • Tháng hiện tại314,886
  • Tổng lượt truy cập51,670,845
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944