Những yêu cầu đối với người cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục trong hoạt động tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) – chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.
Làm mới chính mình để thích nghi với thay đổi
- Thực hiện chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực, cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục. Điều này phải bắt đầu từ CBQL nhà trường, bởi họ là người trực tiếp tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại nhà trường. Vậy theo ông, người CBQL nhà trường cần được quan tâm ở những mặt nào để giúp họ thực thi sứ mệnh này?
Thứ nhất, người CBQL nhà trường phải được tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo lại, bởi vì, không thể chỉ đạo, quản lý đội ngũ giáo viên đầy sáng tạo, đổi mới bằng một đội ngũ CBQL chậm đổi mới. Theo đó, trước hết, họ phải được học tập lý luận nội dung đổi mới quản lý giáo dục phổ thông theo định hướng mới.
Nếu giáo viên bộ môn phải đi sâu nghiên cứu nội dung, kiến thức và thành thạo phương pháp dạy học của môn học mình đảm nhiệm thì người CBQL phải là người hiểu, biết được những việc làm của giáo viên, để quản lý, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời. Vì vậy, người CBQL nhà trường phải là người tiên phong, đi đầu trong nhận thức cũng như hành động, để có thể chỉ đạo nhà trường trong môi trường đổi mới.
Thứ hai, với vai trò một nhạc trưởng, một chỉ huy trưởng, người quyết định sự thành bại trong công cuộc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mỗi người CBQL cần phát huy tinh thần tự chủ tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường; linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, người CBQL phải thay đổi về tư duy quản lý, phương thức quản lý nhà trường, chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ. Người hiệu trưởng trong thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới được tăng quyền chủ động. Nếu như trước kia, cùng một thời điểm, cùng một cấp học, lớp học, thời khóa biểu là trùng khớp giữa các địa phương trong toàn quốc thì nay việc đó toàn quyền do hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các tổ chức trong nhà trường, việc giao nhiệm vụ cho mỗi giáo viên trong trường theo tinh thần tự chủ, linh hoạt và sáng tạo cũng thể hiện vai trò lãnh đạo của người CBQL nhà trường. Cung cách quản lý mới này đòi hỏi mỗi người CBQL phải tự thay đổi, làm mới chính mình để có thể thích nghi, phù hợp.
Người “phá rào” nhận thức cũ
- Triển khai chương trình mới, việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ cấp bách. CBQL mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới?
Đúng là việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới là một nhiệm vụ cấp bách vì Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Theo yêu cầu của chương trình mới, mỗi giáo viên phải luôn năng động, sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng phải khuyến khích, động viên, khơi gợi tư duy sáng tạo của học sinh. Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà trường, mỗi người CBQL nhà trường bài toán làm thế nào để xây dựng được kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Để thực hiện tốt được điều này, mỗi người CBQL cần phải:
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT đã ban hành, mỗi người CBQL cần chủ động rà soát về định mức biên chế theo vị trí việc làm, số lượng người làm việc để sắp xếp, bố trí công việc cho đúng người, đúng việc, phát huy năng lực, sở trường của từng cá nhân.
Người CBQL trường học phải quán triệt và dần thay đổi nhận thức của đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là việc làm không dễ, bởi lẽ trong một thời gian dài, cách dạy, cách học cũ đã trở thành lối mòn ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ; tâm lý ngại khó, ngại thay đổi vẫn tồn tại trong một số lượng không nhỏ của đội ngũ.
Những đòi hỏi với CBQL trước yêu cầu mới
- Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đâu là điểm nhấn về năng lực của CBQL nhà trường cần chú trọng thưa ông?
Thứ nhất: Về kiến thức và kỹ năng quản trị nhà trường: CBQL nhà trường cần có những kiến thức căn bản (nhập môn) về quản trị trường học, làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà trường. Đây là một yêu cầu cấp thiết và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.
CBQL nhà trường có thể tham gia các khóa đào tạo tập trung nhưng cũng có thể lựa chọn hình thức tự học linh hoạt với các nội dung thiết thực, tự chọn trong hệ thống kiến thức quản trị nhà trường. Kiến thức quản trị được hình thành thông qua hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng bao gồm kiến thức về quản trị tài chính, quản trị cơ sở vật chất, quản trị tổ chức và nhân sự. Các kiến thức về quản trị nhà trường được vận dụng thành thục, linh hoạt trong điều kiện cụ thể của mỗi nhà trường, tạo thành các kỹ năng quản trị trường học.
Thứ 2, về ngoại ngữ: trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh sẽ được dạy từ tiểu học (bắt đầu ở lớp 3) đến THPT (hết lớp 12), do đó hiệu trưởng cần có trình độ ngoại ngữ nhất định để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động dạy tiếng Anh trong nhà trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Xu hướng trong tương lai gần là cơ quan quản lý nhà nước sẽ không có quy định riêng về bằng cấp/chứng chỉ đối với CBQL trường phổ thông mà sẽ quản lý theo yêu cầu về năng lực thực tiễn, như: khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trong nghiên cứu tài liệu, trong giao lưu học tập kinh nghiệm quốc tế…
Thứ 3, về nghiệp vụ sư phạm: để quản lý giáo viên và quản lý hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, CBQL nhà trường phải hiểu được bản chất nghiệp vụ sư phạm và điều kiện thực hiện thực tế tại địa phương để có thể vận dụng kiến thức về nghiệp vụ sư phạm trong hoạt động quản lý nhà trường, như tạo được môi trường cho giáo viên đổi mới, có biện pháp hỗ trợ giáo viên đổi mới đi đôi với giám sát, khen thưởng, động viên giáo viên.
Thứ 4, về thực hiện dân chủ trong nhà trường: CBQL nhà trường cần có đầy đủ nhận thức về dân chủ, từ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ đến các chỉ đạo của ngành về quy chế thực hiện dân chủ trong trường học.
Trên cơ sở nhận thức, có kỹ năng vận dụng để xây dựng quy chế dân chủ trong đơn vị mình (không phải tự xây dựng mà có sự đồng thuận của mọi thành viên của đơn vị trong quá trình xây dựng, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình thực hiện) và thực hiện quy chế dân chủ, kết hợp với các hoạt động giám sát, sơ kết, tổng kết, giải quyết khi có biểu hiện mất dân chủ.
Thứ 5, CBQL nhà trường còn cần phát huy năng lực quan hệ xã hội với cơ quan quản lý ngành dọc (phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT), quan hệ với phụ huynh (trong đó có ban phụ huynh), quan hệ với chính quyền địa phương, quan hệ với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xin cảm ơn ông!