Nhà trường tuyên truyền rõ chủ trương thay SGK
Là công nhân khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Vân hiện có 2 con năm tới vào học lớp 6 và lớp 1. Thấy thông tin giá mỗi bộ sách tăng gấp 3-4 lần so với sách cũ, chị chia sẻ: "Vợ chồng tôi lương công nhân nên phải tính toán chi tiêu tằn tiện để còn đảm bảo cuộc sống và lo cho các con ăn học. Với giá mỗi bộ sách tăng lên nhiều hơn hẳn, chúng tôi sẽ phải tính toán ngay từ bây giờ để dành dụm tiền học cho con khi bước vào năm học mới. Dù thế nào cũng phải mua sắm đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập cho các cháu, chỉ mong không có phát sinh thêm về học phí hay các loại sách tham khảo…"
Chị Vũ Thị Lan ở xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bộc bạch: Học sinh nông thôn được tiếp cận với sách mới in đẹp, sắc nét, nội dung đổi mới rất phấn khởi. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế còn khó khăn thì giá sách cao khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Ở các vùng thuận lợi, các thành phố, khoảng 200.000/bộ sách không phải là vấn đề đáng bận tâm, nhưng ở những vùng điều kiện sống còn thấp thì việc mỗi bộ sách tăng 120.000-150.000 sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình.
Thầy Nguyễn Xuân Trường- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhận định: Năm học 2020-2021 triển khai SGK lớp 1 mới, giá sách đã điều chỉnh tăng so với sách cũ. Xác định SGK mới thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, đồng thời có sự điều chỉnh đổi mới cả về hình thức và nội dung sách, số lượng sách nên qua sự tuyên truyền của nhà trường, phụ huynh học sinh đều đồng tình mua SGK cho con em, yên tâm về chất lượng sách mới.
Giá thành tương xứng với chất lượng sách?
Ông Đỗ Hoàng Sơn- thành viên Liên minh giáo dục STEM cho rằng: Sách giáo khoa có chất lượng cả về nội dung và hình thức thì giá thành phải đảm bảo đề các NXB có thể làm SGK một cách bền vững.
SGK mới được thiết kế đẹp, in màu và có điểm nhấn quan trọng là sử dụng công nghệ mới giúp người học có thể tra cứu từ khóa (ở cuối sách), thể hiện sự đầu tư kỳ công của tác giả và NXB.
Điều này giúp học sinh, nhất là học sinh nông thôn dần nâng cao năng lực thẩm mỹ, năng lực tra cứu tài liệu để tự học, tự nghiên cứu… Cách tiếp cận này của SGK mới phù hợp với đào tạo người học trên nền tảng chuyển đối số.
Theo ông Đỗ Hoàng Sơm: SGK nói riêng và sản phẩm sách nói chung là sản phẩm cần được ưu tiên đầu tư hàng đầu. Việc giá sách tăng đi cùng với chất lượng sách tăng là điều cần được nhìn nhận đúng mức, qua đó giúp học sinh tiếp cận được với chương trình, SGK mới một cách hiệu quả nhất.
Hơn nữa, SGK mới được thực hiện xã hội hóa, giá sách sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: giá giấy, nguyên vật liệu, công in… Số lượng in giảm sẽ kéo theo giá in tăng lên. Vì vậy việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng.