Với đề thi, đáp ứng Chương trình GDPT 2018, yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh được đặt lên hàng đầu. Theo công bố của Bộ GD&ĐT, ngoài câu hỏi trắc nghiệm 4 phương án, đề thi sẽ có thêm câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn.
Về xây dựng ngân hàng câu hỏi, thay vì từ đầu đến cuối đều tuyệt đối bí mật và được thực hiện bởi một số cá nhân nhất định; cách làm mới sẽ trên tinh thần phát huy sức mạnh toàn ngành, có “tính mở”. Đề thi được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương; sau đó lựa chọn câu hỏi tốt qua xử lý kết quả bằng lý thuyết khảo thí, kết hợp các góp ý để đưa vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Ngân hàng câu hỏi thi chính là cơ sở để xây dựng đề thi cho các năm.
Các bước chuẩn bị cho công việc này đã và đang được triển khai. Theo đó, tháng 3/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tháng 4/2024, một hội thảo riêng về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT tổ chức; trong đó có công bố, trao đổi, bàn thảo về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Nhằm nâng cao năng lực khảo thí phục vụ đánh giá theo Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các môn học liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của 63 sở GD&ĐT. Trên cơ sở kết quả tập huấn, các sở GD&ĐT triển khai cho giáo viên xây dựng đề thi theo cấu trúc định dạng mới, làm nguồn cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi từ năm 2025. Dự kiến tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT triển khai đánh giá, nhận xét đề thi do các đơn vị xây dựng.
Xây dựng đề thi, đề kiểm tra là việc khó và càng khó hơn với yêu cầu đánh giá năng lực của Chương trình GDPT 2018. Cách làm mới nhận được sự đồng tình, thậm chí được cho có tính đột phá; bởi làm tốt điều này không chỉ đóng góp hiệu quả cho việc ra đề thi tốt nghiệp THPT, mà thúc đẩy đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, khó tránh khỏi bước đầu sẽ vướng phải rào cản là nhận thức về vai trò, trách nhiệm tham gia của các bên liên quan, cộng đồng giáo viên; đặc biệt là trách nhiệm đóng góp nguồn đề của địa phương, nhà trường và năng lực ra đề của đội ngũ. Trải nghiệm dạy và học theo chương trình mới chưa đủ nhiều thời gian và chiều sâu cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn đề thi từ địa phương. Bởi vậy, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm và năng lực giáo viên trong công tác này là yếu tố tiên quyết.
Làm được điều này, cần chỉ đạo thống nhất của Bộ GD&ĐT và sự quan tâm của địa phương, nhà trường trong công tác tập huấn, đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện, chế độ khích lệ để giáo viên đóng góp câu hỏi thi chất lượng, đặc biệt đội ngũ cốt cán. Công tác thẩm định, chọn lọc, sửa đổi, điều chỉnh nguồn đề cũng cần được đầu tư xứng đáng.
Có thể nói, còn nhiều việc phía trước và cần cả một quá trình nhằm hướng đến xây dựng một thư viện/ngân hàng đề thi để thực hiện phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay, theo như lộ trình Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ GD&ĐT đưa ra.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc