Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Vai trò của các trường đại học đối với sự phát triển về giáo dục và khoa học công nghệ của TPHCM – Lĩnh vực Khoa học Sự sống và Môi trường”, do Hội đồng Hiệu trưởng Khối ngành Khoa học Sự sống và Môi trường tổ chức, diễn ra sáng nay (2/8), tại TPHCM.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các thầy cô đến từ hơn 150 trường THPT trên địa bàn thành phố.
Chỉ đạt tỷ lệ dưới 1% tổng số thí sinh ứng tuyển
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho hay, kết quả của các đợt đăng ký trong những năm gần đây cũng đặt ra nhiều trăn trở về việc hướng nghiệp, phân luồng cho các em học sinh. Giải thích rõ hơn, ông Toàn trích dẫn số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT về kết quả tuyển sinh hai đợt gần nhất, năm 2022 và 2023, khi mà cả lĩnh vực “Môi trường và bảo vệ môi trường” cũng như “Khoa học sự sống” đều chỉ đạt tỷ lệ dưới 1% tổng số thí sinh ứng tuyển.
"Con số này thấp hơn rất nhiều lần so với các lĩnh vực tốp đầu như kinh doanh và quản lý (khoảng 24%) và máy tính - công nghệ thông tin (khoảng 11%)", ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, các trường đại học có tổ chức đào tạo các lĩnh vực Khoa học Sự sống và Môi trường đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy công tác tuyển sinh. Nỗ lực thu hút thí sinh theo học các lĩnh vực Khoa học Sự sống và Môi trường không chỉ nằm ở việc nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, mà còn thông qua nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm chứng minh cho xã hội về năng lực của các trường cũng như tiềm năng của ngành. Tuy nhiên, kết quả là vẫn chưa khả quan.
"Chúng tôi hy vọng hội thảo sẽ là một cơ hội chia sẻ, thảo luận và cùng xác lập một nhận thức chung về việc triển khai hợp tác nghiên cứu giữa các Trường Đại học trong lĩnh vực Khoa học Sự sống và Môi trường để hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là cơ hội để tìm kiếm giải pháp cho các trường đại học phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ giáo viên giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vực Khoa học Sự sống và Môi trường cũng như hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông trên địa bàn TPHCM", ông Toàn nói thêm.
PGS.TS Trần Văn Mẫn – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, cho hay, thời gian qua ở lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường, các nhà khoa học của Trường đã tiến hành độc lập hoặc trong hợp tác với các trường đại học khác để có những công trình nghiên cứu đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM.
“Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, các trường đại học đóng vai trò trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong đó, sự hợp tác giữa các trường là yêu cầu sống còn của giáo dục đại học vì mỗi trường đại học đều cần có những sự thay đổi linh hoạt, liên tục đổi mới để có thể thích ứng nhanh chóng, đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững và đóng góp cụ thể cho kinh tế xã hội địa phương nơi trú đóng”, ông Mẫn nói.
Tuy nhiên, ông Mẫn cũng thừa nhận, khi đối chiếu với tiềm năng về khoa học công nghệ của các trường đại học thì sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng của từng trường và cần phải được khuyến khích và thúc đẩy để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
“Sự hợp tác nghiên cứu khoa học hiệu quả giữa các trường đại học là nhằm mục tiêu cùng nhau định hướng, giải quyết các bài toán, các vấn đề về khoa học sự sống và môi trường mà Thành phố đang quan tâm”, ông Mẫn khẳng định.
“Chăm từ gốc đến ngọn” để hút thí sinh
TS. Trần Văn Thịnh - Phó khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đưa ra các con số cụ thể hơn. Đó là mỗi năm có khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào đại học, trong đó 20% không nhập học và 5-7% phải đăng ký xét tuyển lại (sau năm 1). Điều này cho thấy khả năng nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường. Do đó, công tác hướng nghiệp giúp học sinh tự điều chỉnh hướng đi, hướng chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu nghề nghiệp trong xã hội một cách tối ưu nhất là rất quan trọng.
“Công tác hướng nghiệp thời gian qua đã nói lên nhiều bất cập của việc chọn nghề. Vì sao em học ngành này hay thích nghề này? Câu trả lời thường là ngành ngành đang ‘nóng’ trên thị trường, cơ hội việc làm cao, lương cao… Rõ ràng đây đều là chọn nghề theo cảm tính, theo ý kiến của người khác hoặc chọn nghề theo trào lưu chung”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, trước đây các trường đại học thường thụ động chờ sinh viên đến nộp hồ sơ xét tuyển, thi tuyển. Đây là cách làm “hái phần ngọn” và khiến trường đại học không chủ động được nguồn nhân lực của mình.
“Nếu muốn không bị thiếu sinh viên thì giải pháp tốt nhất chính là “chăm từ gốc đến ngọn”. Việc “chăm từ gốc” bởi lẽ rất nhiều học sinh phổ thông trung học vẫn chưa biết chọn ngành nghề như thế nào là phù hợp với mình mà chạy theo ngành “hot”, lương cao. Bên cạnh đó là sự tác động của phụ huynh khi ai cũng muốn con học đại học ra dễ tìm được việc làm. Chính vì vậy, hướng nghiệp sớm cho các em là thực sự cần thiết và là một chặng đường dài”, ông Thịnh nói.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng việc kết nối, hợp tác giữa trường đại học và phổ thông giúp đôi bên cùng phát triển, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là rất quan trọng. Đặc biệt, các trường đại học cần hỗ trợ, bồi dưỡng kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp cho giáo viên định hướng, hỗ trợ học sinh tự đánh giá đúng sở thích, tính cách, năng lực của mình, từ đó học sinh có những quyết định lựa chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu lao động
Tác giả bài viết: Quốc Hải
Ý kiến bạn đọc